Thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
Chiều 15/11, với lệ 444/447 ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,55% tổng số ĐBQH), Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước có 5 chương, 28 điều.
Luật quy định, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thuộc 15 lĩnh vực.
Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, thông tin thuộc phạm vi bí mật bao gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; Thông tin về hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước cấm hành vi làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông...
Căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Trong đó mức độ Tuyệt mật là quan trọng nhất.