Diễn đàn APEC: Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu
Phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 30, đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm trong khu vực APEC cũng như từng thành viên.
Các Trưởng đoàn dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao- Kinh tế lần thứ 30 các nền kinh tế APEC.
Nguồn: Bộ Công Thương
|
Ngày 15/11, tại Papua New Guinea, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao- Kinh tế lần thứ 30 các nền kinh tế APEC đã được tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các quan sát viên.
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng APEC thảo luận 2 chủ đề chính gồm: Tăng cường kết nối, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và cải cách cơ cấu.
Với tư cách đồng Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh kêu gọi các nền kinh tế APEC tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng tại WTO trên cơ sở cân bằng các mục tiêu chính sách, tăng cường xây dựng năng lực trong đàm phán cho các nền kinh tế đang phát triển nhằm nắm bắt cơ hội do các Hiệp định thương mại khu vực/tự do (RTAs/FTAs) mang lại.
Về kinh tế mạng và số, Việt Nam nhấn mạnh vai trò trung tâm của người dân và cộng đồng kinh doanh, bảo đảm việc tiếp cận công nghệ số và vai trò bình đẳng của các thành phần xã hội bao gồm phụ nữ, thanh niên và nhóm yếu thế trong việc tham gia kinh tế mạng và số.
APEC cần thúc đẩy hơn nữa việc thực thi 2 sáng kiến của Năm APEC Việt Nam 2017, gồm Lộ trình APEC về kinh tế mạng và số và Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong nỗ lực thực thi Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tháng 10/2018, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu và hội thảo về hạ tầng pháp lý cho thương mại điện tử trong APEC. Với hạ tầng chính sách về kinh tế số không theo kịp tốc độ phát triển của cách mạng số nên các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực sẽ rất hữu ích cho các nền kinh tế đang phát triển trong số hóa nền kinh tế.
Về cải cách cơ cấu, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm trong khu vực APEC nói chung và từng nền kinh tế nói riêng.
Từ năm 2014, Việt Nam coi cải cách cơ cấu là một ưu tiên chính sách, trong đó tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh trong nước phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Minh chứng cụ thể là năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh (trong đó, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 55% trên tổng số điều kiện kinh doanh trong 16 ngành, nghề thuộc phạm vi của quản lý của Bộ). Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cắt giảm 202 điều kiện kinh doanh (chiếm 36% tổng số điều kiện kinh doanh còn lại) trong thời gian tới.
Về thuận lợi hóa kinh doanh, Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua việc nới lỏng các quy định đối với 10 lĩnh vực của chỉ số thuận lợi hóa kinh doanh (EoDB) và sẽ cùng các nền kinh tế APEC xây dựng các sáng kiến về thúc đẩy EoDB trong khu vực APEC./.