Thông tin trên được các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra trong Tuần lễ Nhận thức kháng sinh thế giới (WAAW) ở châu Á và Thái Bình Dương diễn ra trong các ngày từ 12 – 18/11. Các cơ quan của LHQ bao gồm Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình môi trường LHQ (UNEP) đã kêu gọi sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm hơn ở người, động vật và trong nông nghiệp.
Theo các cơ quan này, nhiều loại thuốc kháng sinh đã không hiệu quả trong việc chống nhiễm trùng. Số trường hợp tử vong do kháng kháng sinh (AMR) có thể vượt quá cả số người tử vong vì các bệnh ung thư hàng năm. Đây có thể coi là một tình huống khẩn cấp của y tế toàn cầu.
Với thông điệp chính là “sử dụng thuốc kháng sinh một cách thận trọng”, Tuần lễ Nhận thức kháng sinh thế giới (WAAW) tập trung vào các kế hoạch hành động nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt trong khi thúc đẩy canh tác tốt và an toàn thực phẩm.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) định nghĩa rằng, thuốc kháng sinh là thuốc giúp ngăn ngừa và điều trị ký sinh trùng, vi khuẩn, vi-rút và nấm. Tuy nhiên, việc các nhân viên y tế lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị cho bệnh nhân và sự lạm dụng thuốc kháng sinh trong các hoạt động nông nghiệp có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
LHQ cho rằng, tử vong do kháng kháng sinh được coi là vấn đề y tế ưu tiên cần được giải quyết như các vấn đề khẩn cấp như dịch Ebola và HIV.
Tuần lễ Nhận thức kháng sinh thế giới (WAAW) được tổ chức vào tháng 11 hàng năm với mục tiêu nâng cao nhận thức toàn cầu về thuốc kháng sinh trên toàn cầu và khuyến khích sự thực hành tốt nhất trong công chúng, các nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách trong việc ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh./.