Lào Cai: Tăng cường các giải pháp ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi
Thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng cho biết, Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Đây là loại virus có độc lực cao, khiến 100% lợn bị nhiễm tử vong và hiện chưa có thuốc chữa.Tỉnh Lào Cai có 26 xã, phường của 5/9 huyện, thành phố có đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Trên địa bàn tỉnh có 01 cửa khẩu Quốc tế, 02 cửa khẩu Quốc gia và nhiều lối mòn, lối mở biên giới, thường xuyên có hoạt động vận chuyển hàng hóa giao thương. Mặc dù dịch tả lợn Châu Phi chưa xuất hiện ở Lào Cai nhưng nguy cơ xâm nhiễm là rất cao. Đây là điều đáng lo ngại, bởi từ đầu năm đến nay, do giá lợn hơi tại Trung Quốc thấp hơn so với ở Việt Nam khá nhiều nên có hiện tượng tư thương đã nhập lậu lợn thịt, lợn con thương phẩm qua các lối mòn, lối mở biên giới vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ, làm tăng nguy cơ xâm nhiễm bệnh.
Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của dịch bệnh này, các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. Bám sát thực hiện Kế hoạch số 268/KH-UBND về hành động ứng phó khẩn cấp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2018-2019. Quán triệt, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục các biện pháp ngăn chặn, đồng thời quy trách nhiệm khi tổ chức, cá nhân để bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu vào địa bàn. Chỉ đạo các Đồn biên phòng, các đơn vị trong toàn lực lượng tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới; bến bãi tập kết; phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc vi phạm. Phối hợp tốt với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
Dấu hiệu nhận biết lợn nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi
Lợn nuôi bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi sẽ ủ bệnh ít nhất trong vòng 24 giờ, trước khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện.
Các dấu hiệu lâm sàng thưởng xuất hiện khoảng 5 - 15 ngày sau khi lợn bị nhiễm virus này. Điều đầu tiên và dễ dàng nhận thấy nhất là lợn bị sốt cao (41 - 42 độ C), biểu hiện bằng việc mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi).
Thỉnh thoảng lợn bệnh sẽ có dịch chảy ra từ mắt hoặc mũi. Lợn thường xuyên khó thở, chảy dãi lẫn máu, chảy máu mũi; kêu liên tục, nôn mửa. Một số con bị táo bón hoặc tiêu chảy ra máu. Những con lợn da bị ửng đỏ có thể chuyển sang màu xanh tím khi bệnh nặng, đồng thời xuất huyết dưới da. Lợn có thể rơi vào hôn mê do sốc xuất huyết hoặc tràn dịch phổi sau 7 ngày xuất hiện các triệu chứng của Dịch tả lợn Châu Phi.
Biện pháp phòng, chống dịch tại trang trại
Theo các chuyên gia của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO), biện pháp quan trọng để phòng, chống là bảo vệ các trang trại không cho vi-rút xâm nhập, tiêu độc khử trùng. Tiếp đó là phòng bệnh, thực hành chăn nuôi tốt, nâng cao an toàn sinh học; không cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua xử lý chín, bảo đảm thời gian và nhiệt độ tiêu diệt mầm bệnh. Việc giám sát phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng, nếu không, nguy cơ lây lan sẽ rất nhanh khi có bệnh dịch. Đồng thời, các chuyên gia cũng đề xuất, từ nay trở đi bất kỳ con lợn nào nghi bị bệnh là cần xét nghiệm ngay, nhất là với những con hơn 12 tuần tuổi vì bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tập trung ở giai đoạn này.
Bất kỳ ai khi phát hiện lợn bị bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cần báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, chính quyền, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hoặc Chi cục Chăn nuôi và thú y nơi gần nhất./.