Đẩy nhanh tiến độ bình đẳng giới tại châu Á-Thái Bình Dương

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) công bố hôm nay tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phụ nữ ở Hà Nội, các nước châu Á và Thái Bình Dương phải đẩy nhanh tiến độ bình đẳng giới để đạt được các mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng theo Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Báo cáo “Bình đẳng giới và các Mục tiêu Phát triển bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Cơ sở và Con đường cho những thay đổi mang tính biến đổi tới năm 2030” là đánh giá toàn diện đầu tiên về tình trạng của phụ nữ và trẻ em gái ở châu Á - Thái Bình Dương theo khuôn khổ các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Báo cáo này nêu bật những thách thức mà phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt và đưa ra giải pháp cải thiện tình hình để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Theo Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, bình đẳng giới vừa là một mục tiêu độc lập (Mục tiêu số 5), vừa là một ưu tiên trong 16 mục tiêu còn lại về phát triển xã hội, kinh tế và môi trường, chẳng hạn như chấm dứt đói nghèo, bảo đảm giáo dục cho tất cả mọi người. Dựa trên việc đánh giá toàn diện các dữ liệu sẵn có để theo dõi tiến độ về tình trạng của phụ nữ và trẻ em gái khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Báo cáo cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đạt được bình đẳng giới và Chương trình nghị sự 2030.

Ông Bambang Susantono - Phó Chủ tịch ADB về Quản trị tri thức và Phát triển bền vững cho biết: “Bình đẳng giới cần được giải quyết theo cách riêng của nó và là một chất xúc tác cho sự tiến bộ xuyên suốt các Mục tiêu Phát triển bền vững. Những phát hiện và khuyến nghị trong báo cáo tạo cơ hội để xóa bỏ bất bình đẳng giới, thông qua thay đổi mang tính chuyển biến và hỗ trợ tiến bộ hướng tới phát triển bền vững trong mọi khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường”.

Bà Anna-Karin Jatfors - Giám đốc UN Women khu vực châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ: “Dữ liệu và bằng chứng giúp chúng ta hiểu hơn về việc làm thế nào mà phân biệt đối xử giới và quan hệ quyền lực khiến phụ nữ (hoặc nam giới) không thể hưởng thụ các quyền và đặc quyền nhất định. Vượt qua những bất bình đẳng giới đã hằn sâu không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái mà còn giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, trao quyền cho tất cả mọi người để họ nhận ra tiềm năng đầy đủ của mình, có một cuộc sống hạnh phúc và được tôn trọng. Ấn phẩm này cung cấp bằng chứng vô giá để hỗ trợ nỗ lực biến bình đẳng giới và phát triển bền vững thành sự thật cho tất cả mọi người".

Báo cáo đã phát hiện việc thiếu dữ liệu về giới để theo dõi tiến độ ở các nước châu Á-Thái Bình Dương, chẳng hạn như thiếu dữ liệu về 36 chỉ số trong số 85 chỉ số Phát triển bền vững về giới. Báo cáo nhấn mạnh tính khẩn cấp của việc cải thiện việc xây dựng và sử dụng các số liệu thống kê về giới để thực hiện và giám sát các Mục tiêu Phát triển bền vững ở cấp quốc gia. Báo cáo sử dụng dữ liệu sẵn có tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp thiết lập cơ sở để các chính phủ giám sát và tập trung nỗ lực vào các cam kết bình đẳng giới mà họ đang tụt hậu nhất.

Để giải quyết những vấn đề liên quan tới bình đẳng giới và thúc đẩy tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững trong khu vực, báo cáo nêu bật 4 lĩnh vực chính sách mà các nước cần tập trung bao gồm: Thúc đẩy quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục; giảm thiểu và phân bố lại các công việc chăm sóc không được trả lương và việc nhà; chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và trao quyền cho phụ nữ để đối phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực này, các nước trong khu vực sẽ không chỉ cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái, mà còn đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo cho thấy, trong khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những tiến bộ trong một số lĩnh vực bình đẳng giới, vẫn còn có sự bất bình đẳng đáng kể đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ví dụ, có đến một trong 2 phụ nữ phải trải qua bạo lực thể chất và/hoặc tình dục từ bạn tình thân mật trong 12 tháng qua. Phụ nữ và trẻ em gái cũng dành nhiều thời gian hơn gấp 11 lần so với nam giới và trẻ em trai để làm những công việc chăm sóc không lương và việc nhà. Trong khi một số quốc gia trong khu vực có tỷ lệ "phụ nữ mất tích" cao nhất trên thế giới do phân biệt đối xử, ưa thích con trai, thì tiến bộ giảm tỷ lệ tử vong khi sinh cũng không đồng đều.

Về các cơ hội kinh tế và nghề nghiệp, phụ nữ châu Á-Thái Bình Dương ít được tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính và công cụ sản xuất. Trong khi đó, so với các bé trai, các bé gái ít có cơ hội được học tập bài bản trước bậc tiểu học. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất trên toàn cầu có sự chênh lệch giới ngày càng gia tăng trong lực lượng lao động. Phụ nữ cũng ít hiện diện hơn trong các vị trí ra quyết định và lãnh đạo: Ít hơn một trong 5 nghị sĩ ở châu Á-Thái Bình Dương là phụ nữ.

Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...