Giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Lào Cai

Công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại mỗi địa phương. Nếu ví hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) như bộ não, ứng dụng CNTT như xương sườn thì nhân lực CNTT chính là trái tim của tổng thể chính quyền điện tử.


Lớp đào tạo an toàn, an ninh mạng cho cán bộ, công chức chuyên trách về CNTT tại Lào Cai. 
 
Trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) giai đoạn 2010 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã xác định, nhân lực CNTT là một trong bốn trụ cột chính cần phải quan tâm để thúc đẩy phát triển xã hội bền vững và hội nhập quốc tế.

Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Lào Cai góp phần tham gia xây dựng và phát triển địa phương”,  Lào Cai đã nhấn mạnh tới những giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNTT để tạo sức bật cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai.

Thực tế từ nhiều năm nay, tỉnh Lào Cai đã chú trọng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách cho quản lý, phát triển CNTT như: Đề án số 20-ĐA/TU ngày 20/12/2016 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển CNTT giai đoạn 2017 2020. Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh Lào Cai (Chỉ số ICT-Index) những năm gần đây luôn đứng trong Top 10 của cả nước.

Đối với khu vực hành chính công, hiện nay, tỉnh Lào Cai đã có chính sách thu hút, đãi ngộ đối với công chức, viên chức trong lĩnh vực CNTT. Cụ thể là đã ban hành Quyết định số 97/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 ban hành Quy định về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 4179/QĐ-UBND ngày 27/9/2017 Phê duyệt danh sách hưởng chính sách đãi ngộ đối với công chức, viên chức (CCVC) làm nhiệm vụ an toàn, an ninh thông tin. Theo đó, công chức làm nhiệm vụ điều phối, ứng cứu sự cố máy tính được hưởng mức đãi ngộ 3 lần mức lương cơ sở/người/tháng; CCVC trực tiếp quản lý, vận hành đảm bảo an toàn hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh hưởng mức đãi ngộ 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Năm 2018, Lào Cai đã có 34 CCVC được hưởng chính sách đãi ngộ về CNTT theo Quyết định số 97 của UBND tỉnh.

Đứng trước tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực CNTT chung của cả nước, việc thu hút nguồn nhân lực CNTT về Lào Cai công tác là một bài toán khó. Trong bối cảnh đó, mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước còn quá thấp so với các doanh nghiệp bên ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT- đây là ngành mà bên ngoài có thu hút rất cao bởi lương, thưởng và môi trường làm việc năng động. Vì vậy, mức thu nhập thấp trong khu vực hành chính công hiện nay cũng là một thách thức đối với nguồn nhân lực CNTT khiến cho việc thu hút cán bộ có trình độ CNTT cao về các tỉnh miền núi công tác đã khó nay lại càng khó hơn. Không những thế, trong vài năm trở lại đây, Lào Cai còn phải đối diện với tình trạng chảy máu chất xám - cán bộ CNTT trong các cơ quan nhà nước chuyển sang các doanh nghiệp hoặc chuyển về các thành phố lớn làm việc. Công tác phát triển nguồn nhân lực tại chỗ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với cấp xã, phường, thị trấn.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có 105 cán bộ CCVC làm nhiệm vụ chuyên trách/phụ trách CNTT trong các cơ quan nhà nước. Ở các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã bố trí ít nhất 01 cán bộ chuyên trách phụ trách CNTT. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ chuyên trách về CNTT của Lào Cai vẫn còn thấp, thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong công tác quản lý, ứng dụng và phát triển của tỉnh.

Theo Đề án phát triển CNTT của tỉnh, đến năm 2020, Lào Cai phấn đấu kết nối, liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho các tổ chức, công dân; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước; hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh; triển khai và nâng cấp các phần mềm ứng dụng CNTT trong hệ thống các cơ quan nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.

Để triển khai thành công mục tiêu này, việc phát triển nguồn lực CNTT là rất quan trọng. Bởi đây là yếu tố quyến định sự thành công của việc phát triển và ứng dụng CNTT, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Xác định yếu tố con người là quyết định, Lào Cai cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho tương lai. Trong đó, Lào Cai nên tập trung đào tạo theo 3 cấp độ: Đào tạo lãnh đạo CNTT (CIO); đào tạo cho đội ngũ CB, CCVC, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT; đào tạo các kiến thức về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT cho cán bộ phụ trách CNTT của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đảm bảo đủ năng lực quản lý các dự án đầu tư ứng dụng CNTT của đơn vị.

Xây dựng chính sách thu hút và chương trình vườn ươm nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu về nhân lực CNTT của tỉnh. Xây dựng chính sách thu hút và sử dụng nhân tài CNTT với chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ, máy móc thiết bị hiện đại, có quy chế về sử dụng trang thiết bị CNTT hợp lý. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Cục thống kê và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh thực hiện tốt công tác thống kê, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực CNTT. Và đặc biệt, đó là lãnh đạo các cấp, các ngành cần thực sự nhận thức được công nghệ thông tin và truyền thông là lĩnh vực quan trọng và ưu tiên của quốc gia, là một trong 4 trụ cột tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cần xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại Công nghiệp 4.0. Theo đó, Lào Cai cũng cần xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực CNTT tỉnh Lào Cai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 với các giải pháp hữu hiệu để phát triển nguồn nhân lực CNTT đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có cơ cấu hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Xây dựng và triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, thu hút nhân lực CNTT phục vụ cho phát triển KT-X; ưu tiên ngân sách cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, triển khai các nghiên cứu ứng dụng CNTT, khuyến khích các đề tài khoa học về CNTT. Tận dụng đội ngũ CNTT đang công tác tại các lĩnh vực khác làm công tác kiêm nghiệm cho các đơn vị. Đặc biệt chú ý đến đội ngũ giáo viên dạy tin học tại các trường THPT, THCS tại các huyện, xã. Nâng cao năng lực của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai. Tạo sân chơi về CNTT để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy sức sáng tạo, đóng góp những sáng kiến cải tiến kỹ thuật thực sự làm lợi cho mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức lớp đào tào cốt cán về CNTT cho các sở, ngành, huyện, thành phố thông qua liên kết với một số Trường đại học, cao đẳng uy tín để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đào tạo phổ cập CNTT cho cán bộ, công chức. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo tin học trên địa bàn tổ chức các khóa đào tạo tin học cơ bản, tin học nâng cao theo chuẩn mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường đào tạo CNTT cho doanh nghiệp và nhân dân với nhiều hình thức, từng bước hình thành chính quyền điện tử, công dân điện tử./.
Thu Hiền

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...