Lào Cai tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) là cuộc cách mạng với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa với sự đột phá của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới và tạo ra tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương chủ động nghiên cứu, tiếp cận và triển khai các biện pháp nhằm thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất và đời sống góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Nhằm tăng cường sự chủ động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Lào Cai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp tạo sự bứt phá về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường khởi nghiệp sáng tạo để chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các nhóm giải pháp được tỉnh triển khai thực hiện, đó là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc CMCN 4.0; Xác định CNTT và hạ tầng CNTT- truyền thông là trọng tâm của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; Hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới; Đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Trong đó, trọng tâm là việc triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, đẩy nhanh tiến độ xây dựng thí điểm phát triển đô thị thông minh, hình thành cơ bản thành phần cốt lõi của đô thị thông minh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước, cải cách hành chính và quản trị kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm, nông nghiệp chủ lực, sản phẩm cạnh tranh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị.

Song song với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, tỉnh đã chú trọng công tác cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng  hấp thụ và phát triển. Triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ; khuyến khích hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chính sách mới thu hút tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với ứng dụng, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Một số kết quả bước đầu

Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Lào Cai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất và đời sống, bước đầu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Để mọi tầng lớp xã hội có cơ hội tiếp cận, hiểu về bản chất CMCN 4.0, công tác thông tin tuyên truyền về CMCN 4.0 đóng vai trò rất quan trọng. Nhận thức được điều đó, các cấp, các ngành và địa phương, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, Cổng Thông tin điện tử Sở Khoa học – Công nghệ đã xây dựng kênh chuyên đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm cung cấp các thông tin về nội dung, ý nghĩa, tác động của cuộc cách mạng đối với đời sống xã hội; cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ của cuộc cách mạng lần thứ 4 để phục vụ công tác tuyên truyền và định hướng đầu tư cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực bàn về cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó khẳng định quyết tâm của địa phương trong tiếp cận và triển khai ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp mới. Điển hình như: Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Phát triển kinh tế - xã hội Lào Cai trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4”: Tầm nhìn và giải pháp; hội thảo “Nâng cao vai trò của đoàn viên, thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh trong việc tiếp cận, phát huy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Lào Cai” ; hội thảo “Phát triển khoa học công nghệ vùng trung du, miền núi phía Bắc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”; hội thảo về giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu cho sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của tỉnh Lào Cai. Công tác tuyên truyền và việc tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo đã giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp nhận thức  sâu hơn về vai trò, nhiệm vụ của mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và từ đó tiếp cận, nắm bắt thời cơ, nâng cao trình độ, vận dụng vào thực tiễn, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Tỉnh Lào Cai cũng luôn xác định việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là khâu then chốt trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực cho việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông. Hiện nay hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh Lào Cai đã có mạng truyền dẫn cáp quang, phủ sóng di động, cung cấp dịch vụ Internet đến 100% trung tâm tỉnh, huyện, xã. Hạ tầng CNTT cấp huyện đã triển khai đồng bộ đến các huyện, thành phố. 100% cơ quan nhà nước đều có mạng nội bộ và kết nối Internet. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, 70% cấp xã được trang bị máy tính phục vụ công việc. Trung tâm mạng thông tin của tỉnh tiếp tục được nâng cao năng lực phục vụ tốt cho hoạt động ứng dụng CNTT của tỉnh.Ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai mạnh mẽ bằng việc triển khai Đề án đô thị thông minh tập trung cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông thông minh… Triển khai hệ thống tương tác với nhân dân qua mạng xã hội. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối xuyên suốt 3 cấp tỉnh, huyện, xã, qua đó giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển thương mại điện tử được Lào Cai quan tâm. Năm 2005, tỉnh đã chính thức khai trương Sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai. Đến nay, Sàn thương mại đã thu hút trên 7.300 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 138 doanh nghiệp Lào Cai, 187 doanh nghiệp nước ngoài. Trên 37.600 sản phẩm đã được chào bán với 8.100 lượt giao dịch. Với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, kết quả phát triển CNTT của tỉnh thời gian qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (ICT-Index) trong những năm gần đây, Lào Cai luôn đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năm 2018, Lào Cai đứng trong top 10 về mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT–TT.

Cải cách hành chính luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính. Phần mềm dịch vụ hành chính công - một cửa điện tử đã được đưa vào sử dụng cho 100% sở, ban, ngành và 09 huyện thành phố, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính đã giúp các cơ quan nhà nước tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho cả các cơ quan và người dân, doanh nghiệp, nâng cao sự hài lòng của người dân với cơ quan công quyền. 

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh. Đến hết 2017, toàn tỉnh có gần 1.300 ha (rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới, cây ăn quả nhiệt đới, lúa, chè) sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại các huyện Mường Khương, Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao bình quân gần 230 triệu đồng, cá biệt sản xuất hoa đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Bước đầu hình thành các vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, quy trình nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Sản xuất chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã phát triển được 9 cơ sở chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao và 417 trang trại. Lào Cai đã triển khai và đưa vào sử dụng Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản. Đến nay, Lào Cai đã có 142 dòng sản phẩm nông sản an toàn được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Việc  triển khai ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp giúp người dân phát triển kinh tế làm giàu từ nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Với giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp, tỉnh đã xây dựng, triển khai Kế hoạch khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020;  Kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025; kế hoạch hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; thành lập Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh và tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp “Startup Ideas”  nhằm tạo lập môi trường thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp để có nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội cho việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh, là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Tỉnh Lào Cai đã và đang nỗ lực, nắm bắt cơ hội này để tranh thủ thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.

Thu Hương

Tin Liên Quan

Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt năm 2024

Sáng 5/11, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung Kế hoạch tham gia và phối hợp tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt (Hồng Hà) năm 2024. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi

Sáng 4/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của đất nước.

Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.