Chú trọng chất lượng các dự án đầu tư trên địa bàn
Từ đầu năm đến nay, mặc dù môi trường sản, xuất kinh doanh tại Lào Cai đã có nhiều cải thiện, nhưng việc thu hút đầu tư vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế Lào Cai chạy theo số lượng, mà luôn chú trọng nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trong và ngoài nước, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ.Khu du lịch Topas Ecolodge là một trong những dự án FDI đầu tư hiệu quả tại Sa Pa. Ảnh: Ngọc Bằng |
Thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn
Đến tháng 9/2018, có 19 dự án đầu tư trong nước được UBND tỉnh chấp thuận và cấp phép đầu tư, số lượng dự án được cấp phép bằng 54,3%, số vốn đăng ký đầu tư bằng 49,6% so với cùng kỳ năm 2017. Các dự án mới tập trung chủ yếu trên lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như kinh doanh khách sạn cao cấp, khai thác khoáng sản, thủy điện, khu vui chơi giải trí, song không có dự án FDI cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Mặc dù kết quả thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu, song các chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI có nhiều khả quan. Trong 8 tháng năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp FDI đạt 720 tỷ đồng, tăng 190% so với cùng kỳ; tổng số lao động trong các doanh nghiệp FDI đạt 3.600 lao động, tăng 112% so với cùng kỳ - đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong chiến lược chọn lọc thu hút đầu tư của Lào Cai năm 2018 cũng như những năm tiếp theo.
Nguyên nhân thu hút đầu tư trong nước và FDI gặp khó khăn là do hạ tầng giao thông dù được cải thiện nhiều, nhưng khoảng cách từ tỉnh Lào Cai đến hệ thống cảng biển của thành phố Hải Phòng và trung tâm kinh tế như thành phố Hà Nội xa, nên chi phí vận chuyển lớn, làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút FDI của tỉnh. Hệ thống dịch vụ phục vụ thu hút, triển khai các dự án đầu tư như: Tư vấn pháp luật, thông tin liên lạc, thông tin thị trường, dịch vụ ngân hàng - tài chính, bảo hiểm, thị trường lao động còn nhiều hạn chế. Những rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về quy định pháp luật của Việt Nam với nước ngoài cũng là trở ngại. Một số nhà đầu tư khi lập dự án không nghiên cứu kỹ thị trường, nên gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Không ít nhà đầu tư quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản lý yếu, không nắm vững các quy định pháp luật của Việt Nam, do đó khi triển khai dự án gặp vướng mắc, hiệu quả đầu tư thấp.
Bên cạnh đó, Lào Cai là tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp, đồng bào dân tộc thiểu số đông, tỷ lệ hộ nghèo cao, vì vậy, nguồn nhân lực mặc dù rất dồi dào, nhưng thiếu hụt người lao động đã qua đào tạo và kỹ sư, cán bộ quản lý. Đây là khó khăn lớn đối với công tác thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án FDI…
Nâng cao chất lượng các dự án đầu tư
Lào Cai luôn chú trọng thu hút các dự án đầu tư trong nước và FDI, nhưng kiên quyết không chạy theo số lượng mà thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng, các dự án “sạch” không ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ.
Để thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư, đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để cung cấp cho doanh nghiệp đến tìm hiểu và kinh doanh. Lào Cai luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đầu tư theo tinh thần đổi mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; đồng thời hoàn thiện chính sách hỗ trợ ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi đến đầu tư tại tỉnh Lào Cai; cải cách hành chính đảm bảo đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Ngành chức năng của tỉnh còn rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ công chức thực hiện dịch vụ hành chính công; kịp thời tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp về quy định hành chính và hành vi hành chính, kết quả thực hiện thủ tục hành chính. Lào Cai cũng chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các vùng miền trong cả nước; đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ kỹ thuật, kinh nghiệm đáp ứng phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa phương.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai khẳng định: Đi đôi với việc đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và kinh doanh, tỉnh Lào Cai từ chối những dự án có quy mô nhỏ, với số vốn đầu tư thấp, sử dụng nhiều đất đai và những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, không có đóng góp hoặc đóng góp rất ít cho ngân sách nhà nước. Đối với những dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện giám sát đầu tư, nắm chặt chẽ tiến độ triển khai theo cam kết của nhà đầu tư. Trong trường hợp các nhà đầu tư không có khả năng thực hiện theo tiến độ cam kết hoặc không nghiêm túc chấp hành các quy định pháp lý có liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với UBND tỉnh xem xét, chấm dứt chủ trương đầu tư đối với dự án vi phạm để dành quỹ đất bố trí cho các dự án đầu tư khác có tính khả thi cao. Trong 8 tháng năm 2018, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh chấm dứt và thu hồi chủ trương đầu tư của 6 dự án trong nước và 1 dự án đầu tư FDI.