Quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết 29 - NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững của tỉnh và đổi mới giáo dục là hướng đi tất yếu để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 6 để chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với cán bộ, giáo viên Trường THPT Chuyên Lào Cai về công tác phát triển giáo dục và đào tạo.

Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29 tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội; đã có nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn tích cực, chủ động bám sát các hoạt động giáo dục, nắm chắc dư luận xã hội, kịp thời tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết các vấn đề nảy sinh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác giáo dục và đào tạo; điều chỉnh, bổ sung nhiều chế độ, chính sách phù hợp với đặc điểm của tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số.

Qua 5 năm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, tỉnh Lào Cai đã thu được những kết quả quan trọng:

Quy mô giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh. Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 646 cơ sở giáo dục, 203.635 học sinh (tăng 43.998 học sinh so với năm học 2008 - 2009); có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện, trở thành hệ thống trụ cột của sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét và toàn diện, vững chắc ở tất cả các cấp học, nhất là tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được chú trọng. Số lượng và tỷ lệ học sinh giỏi đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Cơ sở vật chất trường, lớp học; cơ sở đào tạo nghề tiếp tục được chú trọng đầu tư và từng bước được hoàn thiện theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục và đào tạo đổi mới mạnh mẽ, tương đối sâu sắc và tỏ rõ quyết tâm cao trong tiến trình thực hiện. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, sự triển khai quyết liệt của UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh và sự vào cuộc của ngành giáo dục và đào tạo, sự ủng hộ của nhân dân.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo được tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Công tác xã hội hóa giáo dục và hội nhập, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Lào Cai đã chủ động tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến, mô hình giáo dục tiên tiến...

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn: Tính chủ động, tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy cơ sở chưa cao; chưa đánh giá, dự báo đúng tình hình phát triển của địa phương nên đôi khi còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành; nhiều khi chưa kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, chưa nắm chắc một số dư luận trái chiều nảy sinh tại cơ sở, nhất là những năm đầu thực hiện đổi mới. Nhận thức về bản chất đổi mới giáo dục và đào tạo của một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở, cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực sự sâu sắc, nên việc thực hiện đổi mới gặp không ít khó khăn. Vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên; vẫn còn giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chưa tâm huyết với nghề, chưa trách nhiệm với học sinh. Có giáo viên chưa thực sự đồng tình, ủng hộ quan điểm đổi mới giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT và giáo dục thường xuyên còn thấp, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đối với hệ trung cấp nghề, cao đẳng nghề còn thấp. Một số vấn đề tiềm ẩn như tảo hôn, người lớn đi khỏi địa phương, sinh viên ra trường không có việc làm, đời sống người dân vùng cao còn nhiều khó khăn… đang tác động tiêu cực đến công tác giáo dục và đào tạo. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao tuy đã được đầu tư nhưng vẫn thiếu…

Có thể nói, đổi mới giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chính trị quan trọng diễn ra trong sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án số 6 của Tỉnh ủy thì nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục và đào tạo là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đối với giáo dục; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về giáo dục và đào tạo và đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29. Đồng thời, đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, quản trị trong các nhà trường; sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Phát triển giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh, tiến bộ khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, sự nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của tỉnh, tin tưởng rằng sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng khởi sắc, đưa ngành giáo dục Lào Cai lên vị trí dẫn đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, trở thành điểm sáng của giáo dục vùng cao cả nước.

                                                                Nguyễn Văn Vịnh

                 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh   

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...