Vĩnh Yên rộn ràng mừng Tết Độc lập

Men theo Quốc lộ 279, chúng tôi về xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên trong những ngày đầu tiên của tháng 9 lịch sử. Điều đầu tiên nhận thấy là trước cửa nhà các hộ dân dọc hai bên đường từ xã vào các thôn, bản đều treo cờ đỏ sao vàng. Màu quốc kỳ tươi thắm nổi bật trong màu xanh của cây cối, ruộng đồng, màu xanh của hy vọng ở vùng quê ấm no đang đổi thay từng ngày.
Ngày hội vui Tết Độc lập của xã Vĩnh Yên.

Trước ngày lễ lớn, người dân đã sớm dọn dẹp nhà cửa, tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch sẽ để đón Tết Độc lập bằng tình cảm dạt dào, sự trang trọng nhất. Trên những tuyến đường mà chúng tôi đi qua, tiếng loa phát thanh vang lên những bản hùng ca về quê hương, đất nước.

Theo người dân, ở nhiều thôn, bản việc đón Tết Độc lập không khác nào ngày Tết Nguyên đán; nhiều gia đình nấu bánh chưng, cùng nhau mổ lợn liên hoan, con cái đi làm nơi xa cũng tụ họp về cùng gia đình ăn tết.

Thi đấu môn bóng chuyền.

Đồng chí Nguyễn Sĩ Hồng, Bí thư Đảng ủy xã “bật mí” rằng mọi năm xã chỉ lựa chọn một hoặc hai môn thể thao để tổ chức cho người dân thi đấu; đồng thời có một chương trình văn nghệ, nhưng Tết Độc lập năm nay có nhiều hơn môn thể thao thi đấu theo nguyện vọng của người dân.

Sáng sớm ngày 1/9, cơn mưa bất chợt không thể cản dòng người đổ về sân vận động trung tâm xã.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Đạt là thương binh hạng 4/4, năm nay 66 tuổi, trú tại bản Khuổi Vèng không giấu nổi niềm xúc động: “Năm nào cũng vậy, vào ngày này, tôi ra đây để chung vui với người dân và dự hưởng niềm sung sướng, tự hào về những thay đổi của quê hương, đất nước”.   

Trong không khí tưng bừng, nhân dân các dân tộc xã Vĩnh Yên thi đua các môn thể thao bằng tinh thần hăng hái nhất. Đó là thành tích của các cung thủ với thành tích bắn xuyên tâm tấm bia khiến người xem trầm trồ thán phục, rồi những pha đấu vật dân tộc kịch tính của các trai tráng, những người hàng ngày vốn chỉ quen việc đồng áng nhưng hôm nay lại thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Dưới trời mưa, mặt sân lầy lội nhưng không vì thế mà giảm sự hấp dẫn, náo nhiệt của môn kéo co hay bóng chuyền.

Hoạt động thể thao, văn hóa là nhu cầu thiết thực của người dân trong ngày hội lớn. Kinh phí tổ chức các hoạt động này đều do nhân dân tự đóng góp, khiến cho các hoạt động càng thêm có ý nghĩa. Anh Hoàng Văn Tưởng, vận động viên đội kéo co thôn Pác Mạc bộc bạch: “Thắng hay thua cũng vậy thôi, quan trọng là vui khi được thi đấu, được giao lưu, cổ vũ và mang lại tiếng cười”.

Thi chọi dê.

Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất phải kể đến môn chọi dê, trong ngày hội, những chú dê bình thường sẽ trở thành những đấu sĩ dũng mãnh với những pha đấu nảy lửa chẳng kém nào trâu chọi. Để cuộc chọi hấp dẫn, người dân chọn những chú dê đực to, khỏe nhất đàn tham gia thi đấu. Sới chọi dê được tổ chức đơn giản, giới hạn bởi hàng cọc tre, chăng dây thừng bao quanh.

Đến Vĩnh Yên trong ngày Tết Độc lập, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay ở một vùng quê cách mạng, ở các thôn, bản những ngôi nhà khang trang tươi màu sơn mới xuất hiện nhiều hơn; đặc biệt, khu vực trung tâm xã giờ sầm uất hơn, hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động. Giờ Vĩnh Yên trở thành địa phương dẫn đầu toàn huyện Bảo Yên về diện tích quế với 1.700 ha; năm 2018, xã được mùa lớn với năng suất lúa đạt mức kỷ lục mới với 70 tạ/ha, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn đạt 22 triệu đồng/năm, con số này cách đây 3 năm là 7 triệu đồng.

Đêm văn nghệ mừng Quốc Khánh 2/9.

Kết thúc các cuộc thi đấu thể thao, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc làn điệu then ngân vang và chương trình văn nghệ chào mừng Quốc khánh bắt đầu. Người dân vui mừng và tự hào khi mới đây huyện Bảo Yên công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ hát then – đàn tính xã Vĩnh Yên. Đêm văn nghệ với những làn điệu then truyền thống cùng những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước do chính những “ca sỹ làng” biểu diễn  khiến ngày Tết Độc lập càng có ý nghĩa hơn với người dân.

 
Theo Hữu Huỳnh/LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...