Tết tháng Bảy của người Dao đỏ
Phong tục thờ cúng tổ tiên thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn được đồng bào các dân tộc Lào Cai quan tâm, chú trọng, nhất là vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt, với người Dao đỏ, Tết tháng Bảy là tết to trong năm nên việc thờ cúng tổ tiên, dòng họ được đồng bào tổ chức rất chu đáo, thành kính. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, tăng tình đoàn kết và giáo dục, trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc cho các thế hệ sau.Biểu diễn văn nghệ trong ngày Tết tháng Bảy. |
Người Dao gọi tổ tiên là “cung củ miến”; tổ tiên của họ có nhiều đời nhưng các gia đình thường thờ 3 đời gần nhất, tuy nhiên, các lễ trọng như cấp sắc, cúng Bàn Vương thì khấn cầu tổ tiên đến 9 đời. Vị trí đặt bàn thờ tổ tiên “miến pài” của người Dao thường ở góc trái kể từ cửa chính nhìn vào, giáp với vách ngăn của gian bên cạnh. Trong dòng họ, người Dao đỏ cũng thờ cúng tổ tiên dòng tộc “hùng lầu miến” tại gia đình trưởng tộc. Trong nhà trưởng tộc có treo các dụng cụ dùng để cúng như trống, thanh la, chũm chọe, sách cúng, tranh thờ cúng.
Tết tháng Bảy của người Dao đỏ thường tổ chức từ ngày mồng 10 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm. Các gia đình đều mời thầy đến cúng, thầy cúng thực hiện nghi lễ ngay bên bàn thờ tổ tiên và trước cửa nhà. Bài khấn rất dài, diễn ra trong 2 giờ với đại ý là khấn cầu tổ tiên, dòng họ các đời về dự ăn tết cùng con cháu, phù hộ cho gia đình làm ăn phát triển, người mạnh khỏe, vật nuôi không ốm đau, cây trồng đạt năng suất. Mâm lễ cúng có gà, bánh đặc sản theo từng gia đình, dòng họ như bánh chưng đen, bánh sừng…
Tết tháng Bảy là tết cổ truyền được đồng bào Dao đỏ duy trì, bảo tồn cho đến ngày nay, là phong tục mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.