Người Dao Nậm Đét học và làm theo Bác
Những ngày này, đến Nậm Đét, xã có đại đa số dân cư là đồng bào Dao của huyện Bắc Hà, ở đâu chúng tôi cũng được chứng kiến không khí thi đua chào mừng 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).Dấu ấn đặc biệt
Anh Bàn A Ton, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Đét dẫn chúng tôi đến nhà cụ Triệu Mùi Pham, 95 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã và cũng là người Dao đầu tiên ở tỉnh có vinh dự được gặp Bác Hồ. Trên con đường bê tông uốn quanh sườn núi ngút ngàn màu xanh của quế, anh Bàn A Ton nói: Tới xã Nậm Đét mà chưa thăm thôn Nậm Đét - nơi người Dao tiên phong trong học và làm theo Bác - thì coi như chưa tới đây.
Thôn Nậm Đét mà anh Ton giới thiệu có cây quế tổ do cụ Triệu Mùi Pham đem giống về trồng và cũng là nơi có ngôi nhà xây 3 tầng đầu tiên của xã nhờ tiền bán quế. Đó là nhà của cụ Triệu Mùi Pham. Ngôi nhà bề thế không kém ở phố huyện, chỉ khác là được bao quanh bởi vườn quế xanh tươi. Trong phòng khách treo trang trọng bức ảnh Bác Hồ chụp chung với đại biểu tiêu biểu tại hội nghị toàn miền Bắc về “Chi bộ 4 tốt” vào năm 1966, trong đó có cụ Triệu Mùi Pham.
Cụ Pham nhớ lại: Tôi được kết nạp Đảng năm 1960, khi đó đang là cán bộ Hội Phụ nữ xã. Đến năm 1963, tôi được bầu làm Bí thư “Chi bộ 4 tốt” đầu tiên của xã. Nhiệm vụ của chi bộ khi ấy là lãnh đạo sản xuất tốt; thực hiện chính sách, pháp luật tốt; lãnh đạo công tác vận động quần chúng tốt; lãnh đạo công tác củng cố, phát triển Đảng tốt. Tháng 3/1966, tôi vinh dự được về Thủ đô dự hội nghị “Chi bộ 4 tốt”. Trong hội nghị này, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ phải cố gắng làm thế nào cho đồng bào no cơm, ấm áo hơn nữa. Muốn như vậy thì phải tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng...”. Thấm lời Bác dạy, tôi họp bàn với các đồng chí trong chi bộ đề ra chủ trương lãnh đạo nhân dân tích cực trồng lúa, ngô, khoai... Tuy nhiên, khó nhất vẫn là trồng cây gây rừng. Năm 1974, tôi cùng mấy cán bộ xã tìm về bản người Dao ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) vận chuyển 20.000 cây quế giống lên xã trồng. Ban đầu chỉ có thôn Nậm Đét trồng, sau đó người dân nhân giống cây để trồng tại các thôn Nậm Cài, Tống Hạ, Bản Lùng, Cốc Đào.
Sản phẩm quế đem lại thu nhập cao cho người dân Nậm Đét. |
Tiếp lời cụ Pham, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Đét cho biết, cuộc sống của người Dao Nậm Đét trước đây chỉ dựa vào một vụ lúa nương, một vụ ngô trên núi đá. Năm nào mất mùa phải ăn rau rừng thay cơm, ốm đau chỉ biết mời thầy cúng, trẻ em thì không biết chữ... Nhưng từ ngày có Đảng, Bác Hồ dẫn lối, cụ Pham và lãnh đạo xã đã mạnh dạn đưa cây quế về trồng ở Nậm Đét. Từ đó, cây quế sinh sôi trên vùng đất nghèo, cuộc sống người dân nơi đây ngày càng thay đổi tích cực.
Đất quế chuyển mình
Nắng sớm tỏa sáng khắp xưởng chế biến quế của Hợp tác xã Chiến Thắng ở thôn Tống Hạ. Giám đốc Hợp tác xã là anh Triệu Phúc Lý, 34 tuổi, dân tộc Dao - cháu ngoại cụ Triệu Mùi Pham. Giám đốc Lý cho biết, Hợp tác xã Chiến Thắng có 30 thành viên đang làm những công việc: Trồng, chăm sóc và chế biến quế thành các sản phẩm như quế ống điếu, quế ống sáo, quế tinh dầu xuất khẩu... Năm 2017, hợp tác xã đạt doanh thu 25,5 tỷ đồng từ các sản phẩm này.
Đi dưới tán quế xanh mát, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mới ở xã Nậm Đét, nơi có 548 hộ sinh sống. Bí thư Đoàn xã Lý A Siếu cho biết, hầu như gia đình đoàn viên, thanh niên nào cũng trồng quế và họ gọi các vườn quế là “vườn cây hạnh phúc”. Lý do có từ “hạnh phúc” là bởi mới đây, đoàn viên trong xã góp tiền từ bán quế để làm đám cưới cho đoàn viên Triệu A Nhẩy, thôn Nậm Đét và Triệu A Siếu, thôn Nậm Cài vì hoàn cảnh khó khăn, dù yêu nhau lâu nhưng thiếu tiền nên chưa thể tổ chức đám cưới.
Bên ấm trà nóng, ông Triệu Kim Vảng, 60 tuổi, dân tộc Dao ở thôn Nậm Tống Hạ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã mở đầu câu chuyện bằng việc khẳng định mình xây nhà 3 tầng khang trang là nhờ bán 800 cây quế, thu được hơn 1 tỷ đồng. Cùng thôn với ông Vảng còn có những điển hình làm giàu từ cây quế như ông Triệu Kim Hín, Triệu A Lưu… Ngoài ra, còn có anh Đặng Quang Đường ở thôn Cốc Đào, anh Triệu A Siếu ở thôn Nậm Cài mua được ô tô, nuôi con học đại học nhờ tiền bán quế…
Trò chuyện với bà Triệu Thị Ghến, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét, chúng tôi được biết hiệu quả nổi bật nhờ phát triển cây quế trong những năm gần đây tại địa phương là những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Toàn xã có 1.716 ha quế, người dân đã làm chủ từ khâu sản xuất giống tới chế biến sản phẩm. Năm 2017, xã Nậm Đét có nguồn thu từ quế là 51,5 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2016. Hiệu quả kinh tế từ cây quế đã và đang tạo đà cho Nậm Đét phát triển toàn diện. Chỉ tính riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, từ xã khó khăn, đến nay, Nậm Đét đã đạt 12 tiêu chí, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cải thiện, từ đó người dân quan tâm hơn đến việc phát huy và lưu giữ bản sắc văn hóa. Đó cũng là hành động thiết thực về học và làm theo lời Bác dạy của đồng bào nơi đây.