Trống thiêng trong đời sống người Mông
Quy trình làm trống của người Mông rất đặc biệt, trống được làm ở trong hang đá hoặc ở trên đồi xa để khi thử tiếng không vang đến làng. Trống được làm ra nhằm mục đích sử dụng chung cho cộng đồng, không mua bán, trao đổi. Tang trống làm bằng cây gỗ Trí mò sú - một loại gỗ chắc có độ dẻo quánh, không bị nứt, khi đánh sẽ phát ra âm thanh trầm ấm, vang xa. Người Mông dùng da bò hoặc da trâu để bịt hai mặt trống. Trống làm xong, chủ trống cùng nam giới trong làng tiến hành nghi lễ cúng và treo trống ngay tại hang đá. Sau khi làm xong, chủ trống địu trống về nhà treo trên xà nhà. Gia chủ “nuôi” trống sẽ cúng trống vào ngày đầu tháng, cùng với dịp cúng tổ tiên. Vào ngày Tết, trống được hạ xuống để quét sạch bụi bẩn rồi lại treo lên vị trí cũ.
Trống là vật thiêng trong đời sống văn hóa người Mông. |
Khi gia đình nào có người mất, người ta sẽ mượn trống để sử dụng trong đám tang. Gia đình tang chủ cử hai người đi mượn và trả trống đảm bảo một đôi từ đầu đến cuối. Khi đến nhà chủ trống, một trong hai người phải rót rượu mời rồi trình bày sự việc. Chủ trống trực tiếp giao trống, khi giao, chủ trống bảo với trống:
Anh đi đưa bệnh tật đi, đưa mọi chuyện xấu đi.
Anh về mang hồn hoa mầu về đầy nhà, mang hồn con người và gia súc.
Anh về mang vàng bạc khắp nhà.
Một người địu trống, còn người đi sau thì đánh trống, trên đường đi, họ đánh 3 tiếng báo hiệu trong làng có người mất. Trống được mang vào rồi treo ngang lên cây vầu ở gian chính giữa nhà, một mặt trống quay vào trong, mặt còn lại quay ra cửa, bên cạnh là một cây khèn, để trống - khèn tiễn hồn người mất.
Tiếng trống là âm thanh nổi bật và đặc trưng nhất trong đám tang. Tùy từng thời điểm diễn ra mà trống được đánh theo các nhịp điệu khác nhau. Hồi trống đánh 3 tiếng là báo hiệu có lễ pav tuôl (có người vừa chết). Hồi trống đánh 2 tiếng là báo hiệu có lễ uôk vaz (lễ cúng lợn). Hồi trống đánh 1 tiếng báo hiệu có lễ uôk nhux đaz (đám ma khô). Kết thúc đám tang, hai người đi mượn trống sẽ có trách nhiệm mang trả trống.
Có thể thấy, “trống thiêng” gắn liền với tín ngưỡng dân gian của người Mông, mang nhiều giá trị lịch sử tộc người và giá trị âm nhạc, phản ánh mối quan hệ giữa thế giới của người đang sống và người đã mất, phản ánh về thế giới quan, nhân sinh quan. Ở đâu có người Mông, ở đó có “trống thiêng”, trống trở thành biểu tượng thiêng liêng được trao truyền từ đời này qua đời khác, tồn tại mãi trong đời sống văn hóa người Mông.