Khi người dân là “cột mốc” biên giới…
Tỉnh Lào Cai đã thành lập được 91 tổ tự quản đường biên, cột mốc tại các thôn, bản biên giới với sự tham gia của hơn 1.300 “người lính không chuyên”, hằng năm cung cấp khoảng 3.000 nguồn tin cho lực lượng chức năng...Bộ đội biên phòng trao đổi với người dân về các quy định liên quan đến biên giới. |
Đã thành thông lệ, vào cuối mỗi tuần, ông Cư Khái Hòa cùng các thành viên trong tổ tự quản đường biên, cột mốc thôn Séo Tủng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương lại thu xếp việc nhà để cùng các thành viên trong tổ phối hợp với Đồn Biên phòng Mường Khương tuần tra khu vực biên giới. Thông thường, thời gian tuần tra khoảng nửa ngày. Trong thời gian đó, tổ tự quản cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng kiểm tra, giám sát, phát hiện dấu hiệu bất thường về xuất - nhập cảnh hoặc vấn đề liên quan đến đường biên, mốc giới để kịp thời xử lý. Các thành viên trong tổ mang theo thêm các dụng cụ như dao, cuốc, xẻng… để dọn vệ sinh khu vực đường biên, cột mốc. Tranh thủ thời gian, cán bộ biên phòng giới thiệu cho thành viên tổ tự quản các văn bản pháp luật, quy định về bảo vệ biên giới hoặc cách xử lý các tình huống (giả định) phát sinh trong quá trình tuần tra. Từ đó, ông Hòa nhận thức rõ hơn để thực hiện hoặc tuyên truyền cho người dân ở địa phương cùng hưởng ứng.
Ngoài hoạt động tuần tra theo tuần, ông Hòa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, có trách nhiệm ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong khi lao động sát đường biên giới để phát hiện những thông tin, hoạt động bất thường liên quan đến an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia, kịp thời báo cho lực lượng bộ đội biên phòng. Hiện địa bàn biên giới do Đồn Biên phòng Mường Khương quản lý đã thành lập được 6 tổ tự quản đường biên, cột mốc tại 6 thôn thuộc xã Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương, gồm 35 thành viên. Đó là những “người lính không chuyên” đã và đang góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia bằng những việc làm nhỏ, như: Tuần tra, dọn vệ sinh khu vực biên giới hay tích cực quan sát, nắm tình hình về an ninh biên giới để thông tin cho chính quyền và lực lượng chức năng. Hằng năm, các tổ tự quản cung cấp cho đơn vị từ 40 - 50 nguồn tin, trong đó nhiều tin giá trị đã giúp lực lượng chức năng phát hiện kịp thời, xử lý hiệu quả nhiều vụ, việc vi phạm pháp luật liên quan đến xuất - nhập cảnh trái phép hoặc buôn bán ma túy.
Cách đây gần 3 năm, được bộ đội biên phòng tuyên truyền, động viên nên ông Ma Phủ Phà, Trưởng thôn Gia Khâu B, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương đã tự nguyện tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc của thôn. Ông cũng được bộ đội biên phòng và các thành viên trong tổ tín nhiệm bầu là Tổ trưởng tổ tự quản. Nhận thức rõ trách nhiệm khi tham gia tổ tự quản, bản thân ông luôn ý thức, đồng thời tuyên truyền người thân và dân bản chấp hành tốt quy định về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Quá trình lao động, sinh sống tại địa phương, ông Phà nêu cao cảnh giác nhằm phát hiện các thông tin, sự việc, giúp bộ đội biên phòng phát hiện, xử lý hiệu quả một số trường hợp vượt biên trái phép, người lạ xuất hiện tại địa phương có biểu hiện nghi vấn…
Thượng tá Cù Xuân Thảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Chảy đánh giá: “Ông Phà và 63 hộ dân tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn đều là những công dân gương mẫu, tích cực, tham gia có trách nhiệm, nhiệt tình, phối hợp với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đó là “cánh tay nối dài” của lực lượng biên phòng tới từng nhà, từng thôn. Không chỉ chủ động trong phát hiện, báo kịp thời các thông tin, vụ việc xảy ra trên địa bàn, các thành viên còn là những tuyên truyền viên tích cực vận động người dân chấp hành tốt quy định pháp luật, cùng tham gia bảo vệ biên giới”.
Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh, biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đến nay, tỉnh Lào Cai đã thành lập được 91 tổ tự quản đường biên, cột mốc tại các thôn, bản biên giới với sự tham gia của hơn 1.300 “người lính không chuyên”, hằng năm cung cấp khoảng 3.000 nguồn tin cho lực lượng chức năng. Họ là những người dân đang sinh sống, lao động tại khu vực biên giới có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm công dân và am hiểu địa bàn, tự giác tham gia, hoạt động tích cực trong các tổ tự quản. Những “người lính không chuyên” thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần tra, quản lý, bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động trái pháp luật ở khu vực biên giới.
Người dân là một “cột mốc” biên giới, nhờ đó mà phên dậu nơi biên cương càng thêm vững bền, ổn định.