Cho tôi về dưới hiên nhà

Đã lâu rồi không về lại mái nhà xưa, ngồi bên mẹ những chiều hè êm ả. Cuộc sống nơi phố thành bộn bề tất tả, biết tìm đâu một chốn yên bình…

Tôi xa quê đã bao nhiêu năm rồi nhỉ? Chỉ biết rằng ngày đi tóc mẹ còn xanh, giờ đầu mẹ đã có những sợi bạc. Cuốn vào giữa vòng xoáy mưu sinh hối hả, những lần về quê mẹ cứ thế thưa dần. Mái nhà xưa qua nắng mưa tháng ngày dần cũ, quê nhà cũng xa dần theo bước chân phiêu dạt quê người…

Dưới mái nhà xưa.

Cho tôi trở về với mái nhà thương nhớ có mái ngói đơn sơ bạc màu theo năm tháng. Ở nơi ấy tôi đi qua tuổi thơ, bằng những ngày tháng êm đềm không vướng bận, kỷ niệm yêu thương ngủ vùi say dưới mái hiên nghèo. Mái hiên nhà chứng kiến từng bước chân đầu đời chập chững, dõi theo từng bước tôi lớn lên, chở che tôi qua nhiều năm tháng khờ dại, giữ cho tôi cả một trời ký ức dịu ngọt.

Cho tôi về lại mái nhà xưa, ngồi xuống bậc thềm để thôi nghe lòng mỏi mệt. Cuộc sống nơi thành phố ồn ào náo nhiệt, mỗi đêm về chập chờn cả những giấc mơ. Tôi muốn về ngồi dưới mái nhà ngày thơ, để nghe gió ngoài đồng chiều chiều thổi mát, nghe hương quả na, quả thị thoang thoảng sau vườn, nghe dìu dịu hoa cau rụng trắng đầu hè đêm trăng sáng tỏ. Để tôi thấy lòng lại thấy an yên và đôi chân lại được vỗ về sau những chặng đường dài thấm mệt.

Cho tôi về dưới hiên nhà, để nghe lòng sống lại những ngày thơ bé, để biết mình vẫn luôn được ký ức yêu thương. Này đây mái hiên đơn sơ của những sáng ngồi ê a học bài bên trang sách nhỏ, những chiều đám bạn trong xóm đến đùa vui. Chỉ là một khoảng hiên nhỏ thôi mà nơi ấy là cả thế giới của những trò chơi, cả khung trời của những niềm vui thơ dại. Ở thành phố có trăm ngàn trò tiêu khiển mà sao chẳng khi nào tôi thấy vui như ngày nhỏ ngồi chơi dưới mái hiên nhà.

Tôi muốn về với mái hiên xưa, ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ vào những trưa nồng không ngủ được. Tuổi thơ tôi yên bình trong bóng mẹ, trong yêu thương che chở của mái hiên nhà. Cho tôi về lại dưới mái ngói ngày xưa, nằm trên cánh võng đong đưa nghe mẹ kể chuyện cổ tích, ngồi cầm nón quạt cho mẹ mát mỗi khi đi làm đồng về, rót cho mẹ bát nước chè những lúc mẹ gọi, ngồi luồn chỉ cho mẹ vá quần, vá áo… Mẹ tôi khó nhọc một đời. Nắng mưa gồng gánh nuôi tôi nên người. Thương những chiều như thế lắm mẹ ơi, những chiều ngồi bên mẹ dưới mái hiên nhà, nghe tuổi thơ đi qua từng bước êm đềm rất khẽ, những chiều của ngày thơ yên ả con không tìm lại được bao giờ…

Tôi đi qua tuổi thơ bằng những niềm vui đơn sơ như thế. Tôi lớn lên dưới mái hiên nhà, vô tư như hạt nắng đi lạc ngoài sân, âm thầm như trái bầu, trái bí mẹ trồng trên giàn lủng lẳng, bình yên như ánh trăng rọi đầu hè. Ở nơi ấy, tôi có mẹ, có tuổi thơ với đám bạn đầu trần chân đất và những niềm vui khờ dại đầu đời. Quê nhà của tôi ơi, theo mỗi bước tôi bon chen nơi thành thị, giữ giùm tôi những kỷ niệm yêu dấu một thời. Cho tôi về lại mái nhà của tuổi thơ tôi, để được ngồi xuống bậc thềm nghe đôi chân hết mỏi, được hít một hơi căng tràn lồng ngực hương hoa cỏ ruộng đồng, được uống bát nước chè xanh đậm đà do tự tay mẹ nấu, được ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ chiều chiều…

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...