Phong tục cưới hỏi của đồng bào Xa Phó Lào Cai
Đồng bào Xa Phó ở Lào Cai có tập quán cưới hỏi khá độc đáo, khác lạ từ lễ vật thách cưới cho đến các nghi thức. Thời gian tổ chức cưới hỏi thường vào tháng một, tháng hai. Tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng của người Xa Phó khá khắt khe. Những cô gái có tính nết hiền lành, biết thêu thùa, may vá và những chàng trai giỏi cày bừa, khỏe mạnh sẽ được nhiều người để ý, lựa chọn.
Một nghi lễ trong đám cưới của người Xa Phó. |
Đám cưới của người Xa Phó trải qua nhiều bước, như dạm ngõ, dạm hỏi, thách cưới, nhưng quan trọng nhất vẫn là lễ cưới. Nhà trai tìm ông mối khéo ăn, khéo nói giúp việc giao dịch với nhà gái và thống nhất đồ lễ thách cưới. Tiền giấy và đồng bạc trắng có thể xin nhà gái giảm, nhưng các lễ vật là thịt chuột ống, rượu ống, bánh giày thì bắt buộc phải có. Ông mối nhà trai xin nhà gái cho biết số lượng anh em bên nhà gái để chuẩn bị đủ ống thịt chuột, ống rượu. Thịt chuột ống phải là loại được bẫy ở rừng.
Đến ngày cưới, thành phần đoàn nhà trai gồm hai ông bà mối, phù dâu, phù rể và đoàn người đưa lễ vật. Lễ vật gồm 18 ống thịt chuột nhỏ và 2 ống thịt chuột to; 18 ống rượu nhỏ và 2 ống rượu to; 18 chiếc bánh giày nhỏ và một đôi bánh giày to bằng chiếc mẹt; 15 kg thịt lợn mông; 25 kg gạo nếp, tẻ và 1 triệu đồng tiền giấy để làm lễ cúng gia tiên.
Người Xa Phó quan niệm đám cưới có đầy đủ thịt chuột và rượu bỗng, bánh giày thì tổ tiên mới nhận đó là con cháu. Phong tục bắt nguồn từ truyền thuyết về nguồn gốc của người Xa Phó. Có hai anh em sống sót sau thảm họa đại hồng thủy, họ bắt buộc phải lấy nhau nhưng lúc đó trên mặt đất mọi con vật đều chết hết, họ phải chui vào hang tìm bắt chuột và dùng thịt chuột làm lý cúng báo cho ông trời biết ngày họ nên duyên vợ chồng. Cũng kể từ đó, khi tổ chức cưới cho con, nhà trai người Xa Phó phải làm thịt chuột ống giao cho nhà gái mới được đón dâu về nhà. Nhà gái nhận và kiểm đếm số lễ vật, nếu thấy đủ sẽ đem chia phần thịt chuột ống, rượu ống cho anh em trong dòng họ. Khi nhận, những người này cảm ơn và gửi lời chúc đôi vợ chồng trẻ sau này có cuộc sống đầy đủ, sung túc, hạnh phúc bền lâu.
Đến giờ tốt, ông mối bên nhà trai xin phép được đón cô dâu về nhà chồng, cả chú rể và cô dâu đều có những anh em, bạn bè chưa vợ, chưa chồng đi cùng để làm phù dâu, phù rể. Đặc biệt, bố đẻ cũng đưa con gái về nhà chồng. Đoàn đón và đưa dâu khi về đến chân cầu thang của nhà trai, phải chờ giờ tốt mới vào nhà. Ở trong nhà bày sẵn một mâm cơm đặt gần nơi thờ tổ tiên để cô dâu, chú rể cùng ông mối ngồi làm lễ nhập tịch thông báo tổ tiên cho con dâu vào nhà, cầu mong tổ tiên từ nay phù hộ con dâu mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn.
Trong khi ông mo nhà trai đang làm lễ nhập tịch cho cô dâu, bố đẻ của cô dâu cầm theo một vòng dây đến gặp thầy mo và hỏi: “Ông có thấy con trâu cái nhà tôi sổng chuồng đến đây không?”. “Tôi không thấy - ông mo đáp - tôi chỉ thấy anh này” (ông mối chỉ tay vào chú rể). Ngay lập tức, ông bố vợ cầm vòng dây đưa qua đầu thả rơi xuống chân để cầu chúc cho con cái sống hạnh phúc, thương yêu nhau. Sau nghi thức này, cả chủ và khách cùng nhau ngồi ăn uống và chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể.