Khởi động triển khai đô thị thông minh tại Lào Cai
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt Đề án thí điểm phát triển đô thị thông minh tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 - 2025, mở ra cơ hội và động lực mới cho sự phát triển của vùng đất biên cương.Một góc thành phố Lào Cai. (Ảnh: Gia Chiến).
Với một tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn đứng tốp đầu của cả nước (PCI của Lào Cai xếp thứ 5/63 tỉnh, thành); chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index xếp thứ 7/63 tỉnh, thành), Lào Cai đang có những tiền đề, nền tảng thuận lợi cho phát triển đô thị thông minh.
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Lào Cai khi triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phải cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, giúp chính quyền điều hành và quản trị xã hội tốt hơn, làm cho các mặt của đời sống an sinh xã hội được cải thiện. Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, Lào Cai sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực thí điểm xây dựng đô thị thông minh đó là: Giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ y tế; du lịch; giao thông vận tải; môi trường, cảnh báo thiên tai và Chính quyền điện tử.
Về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) trong phát triển chính quyền điện tử, sẽ phát triển hạ tầng CNTT- TT đảm bảo điều kiện cho triển khai ứng dụng CNTT trong 100% cơ quan nhà nước ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, áp dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và các giải pháp tích hợp, kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu (CSDL), các ứng dụng của các ngành, địa phương trong tỉnh về Trung tâm mạng thông tin của tỉnh; xây dựng phần mềm hỗ trợ tổng hợp, phân tích, dự báo/cảnh báo/ ra quyết định, giúp nâng cao năng lực quản lý.
Xây dựng trung tâm điều hành của tỉnh, làm nền tảng tích hợp đảm bảo kết nối các thành phần của đô thị thông minh, cơ sở dữ liệu (CSDL) tích hợp hướng đến một CSDL mở.
Về giáo dục thông minh, triển khai nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gồm: xây dựng CSDL toàn ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu thông tin quản lý giáo dục; học tập trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến, thi trực tuyến; hồ sơ điện tử; thư viện điện tử; trường học điện tử, lớp học thông minh, thẻ học sinh thông minh, hệ thống camera giám sát trong các nhà trường cho từng cấp học.
Về y tế thông minh, xây dựng kết cấu hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, hiện đại; đến năm 2019, các cơ sở y tế đều có hạ tầng CNTT đồng bộ, năm 2020, tất cả các cơ sở y tế, các cơ quan quản lý nhà nước về y tế đều có thể kết nối liên thông, trao đổi thông tin, dữ liệu và phục vụ người dân. Triển khai phần mềm quản lý toàn tỉnh về hoạt động khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở. Triển khai sổ sức khỏe điện tử, hệ thống đăng ký khám chữa bệnh từ xa để người dân dễ dàng tiếp cận với các cơ sở khám chữa bệnh, lựa chọn chuyên khoa, chọn bệnh viện, chọn giờ khám thuận lợi,…
Khu đô thị mới Lào Cai- Cam Đường (Ảnh: Gia Chiến)
Xây dựng giao thông thông minh nhằm kiểm soát tốt các phương tiện công cộng, quản lý, điều tiết giao thông một cách khoa học, hiệu quả, gồm: xây dựng hạ tầng giao thông và mạng lưới vận tải thông minh; hệ thống quản lý, giám sát và xử lý vi phạm, xử lý tai nạn giao thông, đo đếm mật độ phương tiện giao thông; hệ thống cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật,…
Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, cảnh báo thiên tai sẽ xây dựng hệ thống quản lý tập trung đảm bảo hỗ trợ hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, chia sẻ thông tin về môi trường, ứng phó sự cố cũng như kết nối với doanh nghiệp, người dân trong công khai thông tin về chất lượng môi trường của tỉnh. Ứng dụng CNTT nâng cao năng lực quan trắc môi trường, quản lý hoạt động xử lý môi trường với công nghệ tự động, tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế; kết nối trực tuyến về trung tâm điều hành của tỉnh và của ngành, cung cấp khả năng giám sát, cảnh báo sớm và hỗ trợ việc ra quyết định cho nhà quản lý. Triển khai hệ thống quan trắc tự động cảnh báo thiên tai tại các vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh có nguy cơ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hệ thống cảnh báo phòng cháy và chữa cháy rừng.
Lào Cai xác định xây dựng mô hình kiến trúc đô thị thông minh phải gắn với xây dựng chính quyền điện tử làm nòng cốt. Về xây dựng chính quyền điện tử, Lào Cai sẽ tập trung triển khai các hệ thống thông tin tương tác giữa người dân với chính quyền thông qua mạng xã hội; đánh giá sự hài lòng của người dân với các cơ quan chính quyền, đồng thời triển khai đồng bộ các nội dung trong Đề án số 20 của Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng CNTT-TT tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017- 2020.
Đề án thí điểm đô thị thông minh tỉnh Lào Cai, bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự thống nhất của các cấp, các ngành, cần có sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp để Lào Cai xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh, tạo nên một nơi đáng sống với môi trường và kinh tế phát triển bền vững./.