Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 3/2018 - ông Karel van Oosterom
phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/3. (Ảnh: Xinhua)


Đây là thông tin được ông Karel van Oosterom – đại diện thường trực của Hà Lan tại Liên hợp quốc đưa ra trong cuộc họp báo ngày 1/3 về chương trình làm việc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 3/2018. Hiện Hà Lan là nước đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 3/2018 sau khi tiếp quản từ Kuwait. Đây là lần thứ 6 Hà Lan tiếp quản vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sau lần đầu tiên vào năm 1946 và gần đây nhất vào năm 2000.

 

Ngoài ra, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành các cuộc tranh luận theo định kỳ hàng quý về tình hình Afghanistan, với dự kiến là sẽ thông qua một nghị quyết gia hạn sứ mệnh của Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA).

 

Vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức một phiên tranh luận về tình hình Afghanistan và nhân dịp này, sẽ tập trung vào vai trò của phụ nữ, hòa bình, an ninh, với sự tham gia của Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag. Sau đó, vào ngày Nước thế giới 22/3, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành một phiên họp về các vấn đề liên quan tới nguồn nước tại khu vực hồ Chad với sự tham gia của ông Kaag và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohamed.

 

“Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ giám sát chặt chẽ tình hình nhân đạo tại Syria sau khi một nghị quyết áp đặt lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria đã được thông qua vào ngày 24/2”  - ông Oosterom cho biết. Ngoài ra, đại diện ngoại giao của Hà Lan cũng cho biết thêm rằng, bản nghị quyết này cũng yêu cầu cứ sau mỗi 15 ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc cần đưa ra một bản báo cáo về tình hình thực thi nghị quyết và mức độ tuân thủ của các bên liên quan. Trong khi đó, các diễn biến chính trị tại Syria sẽ được Đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình Syria – ông Staffan de Mistura thông báo theo định kỳ lên các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 

Theo ông Oosterom thì Liên hợp quốc sẽ không đưa ra các báo cáo thường xuyên về tình hình sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, mà các thông tin liên quan tới vấn đề này sẽ được cập nhật trong khuôn khổ vòng đối thoại tương tác không chính thức với sự tham gia của Văn phòng Giải trừ vũ khí và Tổng Giám đốc Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW).

 

Ngoài các nhiệm vụ trên, cũng trong tháng 3/2018, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành thảo luận về một số vấn đề khác tại Trung Đông, trong đó gồm cả việc thông tin vắn tắt định kỳ về Lực lượng quan sát viên không can dự của Liên hợp quốc (UNDOF).

 

Liên quan tới vấn đề châu Phi, trong thời gian tới, cơ quan quyền lực Liên hợp quốc sẽ tổ chức một số cuộc họp về tình hình ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Theo kế hoạch, một bản báo cáo vắn tắt sẽ được đưa ra tiếp theo sau các vòng tham vấn về tình hình DRC, trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết khôi phục sứ mệnh của Phái bộ Ổn định Tổ chức Liên hợp quốc tại DRC (MONUSCO).

 

Trong tuyên bố đưa ra ngày 1/3, ông Oosterom cho biết thêm, cũng trong tháng 3/2018, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ngoài ra, theo định kỳ, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ phải đưa ra báo cáo về tình hình triển khai Lực lượng bảo vệ khu vực tại Nam Sudan cùng báo cáo về hoạt động của Phái bộ chung của Liên hợp quốc về Liên minh châu Phi tại Dafur (UNAMID)./.