ASEM hội tụ 53 thành viên, trong đó có 4 thành viên là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và 12 thành viên thuộc G20, đại diện gần 60% dân số thế giới, đóng góp khoảng 60% GDP và khoảng 60% thương mại toàn cầu.
Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM (họp 2 năm/lần) và kênh SOM là cơ chế điều phối chung của ASEM. 10 kênh Hội nghị Bộ trưởng khác (Tài chính, Lao động việc làm, Văn hóa, Giáo dục, Kinh tế, Môi trường, An ninh Năng lượng, Giao thông vận tải, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Công nghệ thông tin và truyền thông) có vai trò điều phối hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành.
Hợp tác ASEM được thúc đẩy đồng đều trên cả ba trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác, đồng thời nội hàm được mở rộng sang các vấn đề mới mang tính đa ngành, gắn kết với phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực – nước – năng lượng, kết nối, kinh tế xanh... ASEM coi trọng thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương toàn cầu, tự do hóa thương mại và đầu tư, kết nối, hỗ trợ SMEs, khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Đối thoại chính trị chú trọng hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh hàng hải, di cư trái phép…
Bước sang thập kỷ thứ ba, trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của cục diện thế giới, các thành viên nhất trí thúc đẩy nâng tầm hợp tác ASEM nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đề cao chủ nghĩa đa phương và vai trò, hình ảnh của Diễn đàn trong cục diện đang định hình như thúc đẩy hợp tác kết nối, tổ chức kỷ niệm Ngày ASEM hàng năm, triển khai Chiến lược truyền thông, tăng cường đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và thanh niên, thúc đẩy hoạt động của 20 Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM….
Tham gia Diễn đàn ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996, đã đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Qua hơn hai thập kỷ tham gia, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn. Đóng góp nổi bật nhất là Việt Nam tổ chức thành công HNCC ASEM 5 (2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ - thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012).
Việt Nam đã đề xuất 23 sáng kiến và đồng tác giả 27 sáng kiến trong các lĩnh vực thiết thực, phù hợp với quan tâm của doanh nghiệp và người dân, như văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội. Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và thúc đẩy cơ chế hợp tác định kỳ về ứng phó thiên tai và “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” về quản lý nguồn nước, nâng hợp tác tiểu vùng Mê Công lên tầm liên khu vực, thúc đẩy các dự án hợp tác địa phương đầu tiên trong ASEM giữa Bến Tre với Tun-chê-a (Rumani), Cần Thơ và Ru-xê (Bungari).
Trong năm 2017, Việt Nam cũng đã triển khai thành công sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ tại HNCC ASEM 11 (Mông Cổ, 7/2016) về “Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” (Huế, 29 – 31/3/2017), chủ trì đăng cai thành công Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á – Âu (ASEF) lần thứ 37 (Đà Nẵng, 28/11 – 01/12/2017).
Hợp tác ASEM nói chung và các sáng kiến của Việt Nam nói riêng đã phục vụ tích cực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nâng tầm đối ngoại đa phương; đồng thời, góp phần làm sâu sắc quan hệ song phương với các đối tác lớn và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, Cộng đồng ASEAN.
Tháng 3/1996, 26 nhà Lãnh đạo Á – Âu đã sáng lập Diễn đàn ASEM như một cầu nối gắn kết hai châu lục. Qua hơn hai thập kỷ, ASEM đã phát triển vượt lên kỳ vọng ban đầu, trở thành diễn đàn kết nối, liên kết các quốc gia, các nền văn minh và gắn kết người dân, doanh nghiệp hai châu lục Á – Âu, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển.
Bước vào thập niên thứ ba, trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của cục diện khu vực và thế giới, ASEM đang ở thời khắc chuyển đổi quan trọng. Việt Nam luôn coi trọng và đặt ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối Á – Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có. Với việc triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và đối ngoại đa phương chủ động, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các thành viên để xây dựng tầm nhìn cho một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện đang định hình./.