Ngày 25/1/2018, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã kết thúc tốt đẹp với việc lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ những năm tới. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự đã có phát biểu quan trọng, đóng góp vào thành công của hội nghị.
Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh
Với chủ đề “Chia sẻ giá trị, Cùng chung vận mệnh”, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã trao đổi sâu rộng về tình hình và triển vọng phát triển của quan hệ hai bên; thống nhất nhiều định hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ.
Nhìn lại 25 năm qua, các nhà lãnh đạo vui mừng ghi nhận những tiến triển vượt bậc của mối quan hệ đặc biệt này. Ấn Độ đã vươn lên trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 58,45 tỷ USD. Bên cạnh đó, hai bên đã thiết lập hơn 30 cơ chế đối thoại từ cấp cao, cấp bộ trưởng tới các nhóm chuyên gia, công tác. Quan hệ giao lưu văn hoá, nhân dân phát triển năng động, với nhiều chương trình, hoạt động hợp tác và giao lưu đa dạng, phong phú, lôi cuốn nhiều tầng lớp tham gia như: Sinh viên, học sinh, phóng viên, nghệ sĩ…, giúp củng cố các mối liên kết văn hoá-văn minh giữa Ấn Độ và khu vực. Hợp tác trên các mặt khoa học - công nghệ, môi trường, cứu trợ thiên tai, kết nối… cũng thu được những kết quả đáng khích lệ.
Các lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ trên tất cả các mặt thông qua thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2020. Theo đó, ASEAN và Ấn Độ tiếp tục củng cố cơ chế đối thoại các cấp; tăng cường hợp tác và phối hợp trong những vấn đề hoà bình và an ninh khu vực, đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và các loại tội phạm xuyên quốc gia.
Về kinh tế, hai bên tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế- thương mại, hợp tác hàng hải, hàng không, công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường giao lưu doanh nghiệp…
Về văn hoá-xã hội, hai bên sẽ gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực bảo tồn và gìn giữ di sản, du lịch văn hoá, tâm linh, giáo dục-đào tạo, phát triển năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học… Thủ tướng Ấn Độ tái khẳng định cam kết hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, mở rộng hợp tác kết nối với ASEAN, nhất là kết nối hạ tầng và kết nối số, sử dụng hiệu quả khoản tín dụng 1 tỷ USD đã cam kết.
Hướng đến tương lai
Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã thông qua Tuyên bố Delhi, theo đó nhất trí:
Tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ vì lợi ích chung, trong các lĩnh vực hợp tác để xây dựng một cộng đồng hòa bình, đùm bọc và chia sẻ trong khu vực.
Tiếp tục nỗ lực để triển khai đầy đủ, có hiệu quả và kịp thời Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ đối tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung (2016-2020).
Tăng cường hơn nữa cam kết và hợp tác cấp cao trong khuôn khổ hiện có của Quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN-Ấn Độ và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Tiếp tục hỗ trợ và đóng góp vào quá trình hội nhập ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN, hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.
Tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chung về an ninh khu vực và quốc tế mà các nước cùng quan tâm và đảm bảo một cấu trúc khu vực có tính minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ trong cấu trúc khu vực thông qua các khuôn khổ và cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt như: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao với Ấn Độ (PMC+1), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) mở rộng…
Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực và các hoạt động hợp pháp khác trên biển, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các tiêu chuẩn liên quan và thông lệ được khuyến cáo của ICAO. Theo đó, ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và trông đợi Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sớm được hoàn tất.
Tăng cường hợp tác hàng hải thông qua các cơ chế liên quan hiện có, bao gồm Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) nhằm giải quyết những thách thức chung liên quan tới những vấn đề biển.
Hợp tác ngăn chặn và quản lý tai nạn và sự cố trên biển và thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa ASEAN và Ấn Độ trong tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, phù hợp với các quy trình và thông lệ hiện hành.
Tăng cường hợp tác chống khủng bố, chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan thông qua việc chia sẻ thông tin, hợp tác thực thi pháp luật và xây dựng năng lực trong khuôn khổ các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Hợp tác với cộng đồng quốc tế để đảm bảo tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ liên quan đến chống khủng bố, và ghi nhận nỗ lực thương lượng Công ước toàn diện về chống khủng bố quốc tế tại LHQ. Thêm vào đó, ASEAN và Ấn Độ tăng cường phối hợp trong phòng chống các tội phạm xuyên quốc gia khác đồng thời phối hợp chính sách về an ninh mạng.
Ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố Langkawi về Phong trào Ôn hòa toàn cầu nhằm thúc đẩy hoà bình, an ninh, tôn trọng pháp quyền, phát triển bền vững và bao trùm, tăng trưởng cân bằng và xã hội.
Tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ, bao gồm tận dụng đầy đủ và triển khai hiệu quả Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Ấn Độ và đẩy mạnh nỗ lực trong năm 2018 nhằm sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi.
Hợp tác để bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương căn cứ theo luật pháp quốc tế và xử lý những nguy cơ đối với các nguồn tài nguyên này. Theo đó, thăm dò khả năng hợp tác về kinh tế biển xanh và ghi nhận đề xuất của Ấn Độ về khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực này.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không theo Khuôn khổ Hợp tác hàng không ASEAN-Ấn Độ được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông ASEAN lần thứ 14 tại Manila ngày 6-11-2008 nhằm thúc đẩy du lịch, thương mại.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không và hàng hải và mong muốn nhanh chóng hoàn tất Hiệp định vận tải hàng không ASEAN-Ấn Độ và Hiệp định vận tải biển ASEAN-Ấn Độ.
Tăng cường hợp tác về an ninh và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để nâng cao các chính sách ICT, xây dựng năng lực, cải thiện kết nối số cũng như cơ sở hạ tầng và dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực ICT thông qua việc thành lập các Trung tâm Đào tạo và Phát triển phần mềm (CESDT) tại một số quốc gia ASEAN thành viên.
Thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân và tăng cường quan hệ giữa các doanh nghiệp thông qua Hội đồng kinh doanh ASEAN-Ấn Độ; khuyến khích các sự kiện thương mại nhằm nâng cao nhận thức về thương hiệu của các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp ASEAN và Ấn Độ, qua đó mở rộng hơn nữa và làm sâu sắc hơn nữa liên kết kinh tế. Đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định và bền vững của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Đẩy mạnh hợp tác đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng; thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo thông qua các khuôn khổ quốc tế.
Tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong ngành khoa học và công nghệ, các chương trình Cơ sở Sáng tạo ASEAN-Ấn Độ, Chương trình Nghiên cứu và phát triển hợp tác ASEAN-Ấn Độ, trong những lĩnh vực phù hợp với Kế hoạch Hành động ASEAN về khoa học, công nghệ và đổi mới (APASTI) 2016-2025.
Tăng cường hợp tác khai thác không gian vũ trụ vì mục đích hoà bình, thông qua việc thực hiện Chương trình Hợp tác không gian ASEAN-Ấn Độ.
Hợp tác thúc đẩy các liên kết lịch sử và văn minh giữa ASEAN và Ấn Độ bằng cách tạo dựng nền tảng cho việc trao đổi kiến thức giữa các nhà hoạch định chính sách, quản lý và nghiên cứu liên quan đến di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; tăng cường nỗ lực bảo tồn, bảo vệ và khôi phục các biểu tượng, công trình văn hoá lịch sử với quan tâm chung nhằm phản ánh mối liên hệ văn hoá và lịch sử giữa ASEAN và Ấn Độ.
Khuyến khích hợp tác về y tế trong các lĩnh vực có liên quan đến Chương trình nghị sự Phát triển Y tế ASEAN sau năm 2015.
Củng cố mối liên kết văn hóa mạnh mẽ thông qua thúc đẩy du lịch văn hoá và tiếp tục tăng cường giao lưu nhân dân.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và thanh thiếu niên, dưới hình thức thành lập các Trung tâm Đào tạo Anh Ngữ, Đào tạo và Phát triển Doanh nhân và cấp học bổng hàng năm, thăm dò khả năng thành lập mạng lưới các trường đại học ASEAN-Ấn Độ và khuyến khích trao đổi giữa các trường đại học.
Tăng cường hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong quản lý thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, bao gồm hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo về Quản lý thiên tai trong việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN, Một Ứng phó: ASEAN ứng phó chung với thiên tai trong và ngoài khu vực.
Thúc đẩy đối thoại giữa các quan chức chính phủ về vấn đề tăng cường năng lực của phụ nữ, thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em và xóa bỏ mọi hình thức bạo lực cũng như thúc đẩy doanh nhân nữ, phù hợp với Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2020.
Thúc đẩy hợp tác trong quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, bao gồm việc hỗ trợ thực hiện các biện pháp chiến lược có liên quan như Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hoá xã hội ASEAN (ASCC) 2025, các ưu tiên của Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về Môi trường (ASOEN) và Kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác ASEAN về Biến đổi Khí hậu (AWGCC) giai đoạn 2016-2025.
Tăng cường hợp tác trong công tác bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học, thông qua trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung và chương trình xây dựng năng lực nhằm giải quyết tình trạng biến mất của đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái, trong đó có việc hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Đa dạng Sinh học ASEAN.
Thăm dò khả năng hợp tác trong việc xây dựng liên minh, quan hệ trao đổi và hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ trong các vấn đề công vụ, trong đó có việc đào tạo công chức các nước ASEAN với mục tiêu hỗ trợ tiến trình hội nhập ASEAN và thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tái khẳng định cam kết về tăng cường kết nối hạ tầng và kết nối số phù hợp với Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và AIM 2020, trong đó có việc sử dụng khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD do Ấn Độ công bố để thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng và kết nối số.
Khuyến khích việc hoàn thành sớm Dự án Đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan và mở rộng dự án này tới Campuchia, Lào và Việt Nam.
Hoan nghênh và đánh giá cao sự hỗ trợ của Ấn Độ đối với các nỗ lực của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong mỗi nước cũng như giữa các nước thành viên ASEAN.
Ba đề xuất trọng tâm lớn của Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại toàn diện quá trình phát triển quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Với nền tảng là đối tác truyền thống trao đổi thương mại, giao lưu văn minh văn hoá từ xa xưa, quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong hơn 25 năm qua đã có những phát triển mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá, giao lưu nhân dân cũng như hợp tác phát triển. Để tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, đưa hợp tác ASEAN-Ấn Độ trở thành điểm sáng trong thành công của thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất 3 trọng tâm lớn cho hợp tác. Đó là: Tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, coi đây là động lực chính của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ; hai bên cần tranh thủ các thành tựu khoa học, công nghệ của cách mạng 4.0 để đẩy nhanh phát triển. Thứ hai là tăng cường kết nối, gồm cả kết nối hạ tầng đường bộ, đường biển…, kết nối số và giao lưu nhân dân. Thứ ba là tăng cường hợp tác vì hoà bình, ổn định ở khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh, cả truyền thống lẫn phi truyền thống.
Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS năm 1982, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp chung ứng phó với những thách thức trên biển, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển xanh, trong đó có việc sớm hoàn tất Hiệp định vận tải biển, chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách biển, cũng như thúc đẩy hợp tác liên khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương./.