Hợp tác ASEAN-Ấn Độ đóng góp thiết thực để xây dựng Cộng đồng ASEAN

Từ ngày 24-26/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sang Ấn Độ dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ và Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến đi.

 

Thủ tướng cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ dự Hội nghị - Ảnh: VGP

Chủ đề Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ là “chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh”, xin Thứ trưởng đánh giá ý nghĩa của chủ đề này và cho biết kết quả của Hội nghị Cấp cao đã đem lại lợi ích gì cho quan hệ ASEAN-Ấn Độ?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Chủ đề “Chia sẻ giá trị, Cùng chung vận mệnh” rất có ý nghĩa, thể hiện cả sự trân trọng đối với lịch sử và cả mong muốn đối với tương lai của mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ. Trên thực tế, cách đây cả nghìn năm, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đã có những giao lưu về thương mại, văn hoá, tôn giáo, những tư tưởng triết học. Đó là những giá trị chung mà các nước mong muốn tiếp tục chia sẻ. Đồng thời, các nước cũng mong muốn gắn bó vận mẹnh chung là ước nguyện về hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trên cơ sở thượng tôn pháp luật ở cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Với tinh thần đó, tại Hội nghị Cấp cao lần này, các nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu rộng về quan hệ hai bên. Kết quả quan trọng là việc thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn, phương hướng và biện pháp nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ phát triển lên tầm cao mới. Theo Tuyên bố Delhi, ASEAN và Ấn Độ sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác toàn diện về mọi mặt chính trị-an ninh, kinh tế, văn hoá xã hội, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đồng thời, đây cũng là các trụ cột hợp tác trong Tầm nhìn ASEAN 2025. Tôi tin rằng hợp tác ASEAN-Ấn Độ phát triển cũng sẽ là sự đóng góp và hỗ trợ thiết thực cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ từ tháng 8 năm 2015. Xin Thứ trưởng cho biết vai trò nổi bật của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Ấn Độ?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Theo luân phiên, Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ từ tháng 8/2015. Ở cương vị này, nhiệm vụ chính của ta là thúc đẩy triển khai những kế hoạch, chương trình hợp tác giữa ASEAN với Ấn Độ; chủ trì các cơ chế cấp Bộ trưởng Ngoại giao, quan chức cao cấp và một số hoạt động liên quan, cũng như điều phối, hỗ trợ triển khai các hoạt động, dự án hợp tác ASEAN-Ấn Độ.

Trong thời gian ta đảm nhiệm vị trí nước điều phối, quan hệ ASEAN-Ấn Độ phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Xin nêu ra đây một số kết quả đáng chú ý sau:

Thứ nhất, hợp tác chính trị tin cậy tiếp tục được tăng cường thông qua việc duy trì cơ chế đối thoại và hợp tác ở các cấp. Với cương vị nước điều phối, ta đã đồng chủ trì những cơ chế quan trọng như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ, Hội nghị Quan chức cao cấp, Ủy ban hợp tác chung… để kiểm điểm tình hình hợp tác cũng như đề ra nhiều phương hướng quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ.

Thứ hai, việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2016-2020 đã đạt những tiến triển tích cực. Theo ước tính, đến nay đã có 67/130 dòng hành động được đưa vào triển khai, đạt tỷ lệ trên 50%. Đáng chú ý, theo sáng kiến của ta, ASEAN và Ấn Độ đã xây dựng danh mục gồm 26 ưu tiên cần thực hiện trong giai đoạn 2016-2018, qua đó giúp việc thực hiện Kế hoạch hành động có trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hợp tác ASEAN-Ấn Độ đã phát triển mở rộng sang những lĩnh vực mới, đặc biệt là kinh tế biển xanh. Tháng 11/2017 vừa qua, Việt Nam đã cùng Ấn Độ tổ chức Hội thảo ASEAN-Ấn Độ về Kinh tế biển xanh, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác hai bên về chủ đề này. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí giao các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu, triển khai những khuyến nghị này.

Thứ tư, trong lĩnh vực hợp tác phát triển cũng chứng kiến sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng dự án hợp tác. Từ 2015 đến nay, đã có 29 dự án được đưa vào thực hiện, tuy con số chưa cao nhưng trong đó có những dự án rất thiết thực với các nước ASEAN như giảng dạy tiếng Anh, đào tạo công nghệ thông tin, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…, cũng như hoạt động thúc đẩy giao lưu văn hoá, nâng cao hiểu biết giữa người dân, trong đó có Hội thảo về mối liên kết văn hoá-văn minh do ta và Ấn Độ đồng chủ trì.

Ngoài ra, ta cũng đã thúc đẩy hai bên hoàn tất bản ghi nhớ về lập Trung tâm ASEAN-Ấn Độ tại New Delhi, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của trung tâm, qua đó giúp tăng cường công tác quảng bá, nâng cao nhận thức về ASEAN cũng như thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa hai bên.

Và những đóng góp cụ thể của Việt Nam đối với thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ lần này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Riêng về đợt kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ nói chung và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm nói riêng, ta đã chủ động đề xuất xây dựng danh mục các hoạt động kỷ niệm với nội dung, hình thức phong phú và đa dạng, với mục tiêu thu hút sự tham gia của nhiều thành phần. Với tư cách nước điều phối, ta đã cùng Ấn Độ đồng chủ trì công tác soạn thảo Tuyên bố Delhi, đề ra nhiều nội dung, biện pháp thiết thực định hướng cho tương lai quan hệ đối tác hai bên.

Phát biểu tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan hệ ASEAN - Ấn Độ cần tập trung vào một số phương hướng hợp tác: (i) Lấy thương mại và đầu tư là động lực chính để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đẩy nhanh đàm phán để sớm ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP); (ii) Triển khai tăng cường kết nối nhằm bảo đảm tính bền vững liên khu vực, trong đó cần sớm triển khai các dự án đường cao tốc, cảng biển...; và (iii) Nỗ lực cùng nhau xây dựng sự hợp tác tin cậy, thực tâm trên tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì hoà bình, ổn định, thúc đẩy tự do thương mại, mở rộng hợp tác toàn diện và phát triển thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tựu chung lại, dù còn vài tháng nữa nhiệm kỳ điều phối mới kết thúc, song từ bây giờ đã có thể nói rằng ta đã có một nhiệm kỳ điều phối thành công, ghi dấu ấn của Việt Nam trong quá trình phát triển của quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ của Việt Nam sẽ tạo đà thuận lợi cho hợp tác hai bên phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo./.

Theo Lâm Hoàng/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm

Hôm 23/4, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 diễn ra với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm". Việc Việt Nam đề xuất sáng kiến và lần đầu tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh...

Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN

Chiều 23/4, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN tiếp tục Phiên toàn thể thứ hai với chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm".

Lễ khởi động Năm giao lưu nhân dân ASEAN-Trung Quốc 2024

Lễ khởi động là một trong những hoạt động trọng điểm triển khai quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 (Jakarta, tháng 9/2023) nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân, làm sâu sắc giao lưu văn hóa và thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng truyền tải thông điệp quan trọng về 'Bài học từ ASEAN' tại WEF Davos

Chiều 17/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.

Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á

Ngày 30/12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á.

Lào sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần thứ 3 trong năm 2024

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, hiện Lào đã sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy sự kết nối và tự cường”.