EU đặt mục tiêu tái chế toàn bộ rác thải nhựa vào năm 2030
Ngày 16/1, Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch tái chế toàn bộ bao bì nhựa vào năm 2030 và giảm dần việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong nỗ lực chống ô nhiễm môi trường.Ủy ban châu Âu cho biết kế hoạch trên nhằm tăng tốc độ tái chế các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng và cho toàn bộ bao bì nhựa được tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2030. Bên cạnh đó, chiến lược cũng mong muốn tạo ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp thông qua thúc đẩy thay đổi cách thức thiết kế, sản xuất và tái chế sản phẩm nhựa tại châu Âu.
Ủy ban châu Âu cũng đặt mục tiêu dọn sạch rác nhựa trên biển (700 kg rác thải nhựa bị dạt bờ biển mỗi ngày), đồng thời có các biện pháp hạn chế việc sử dụng microplastic (các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm) trong bột giặt và mỹ phẩm. Kế hoạch mới đề xuất các quy định bổ sung đối với ngành vận tải tàu biển, cũng như các cảng biển nhằm bảo đảm rác từ các tàu hoạt động trên biển sẽ không bị thải ra đại dương. Bên cạnh đó là cam kết hỗ trợ thêm 100 tỷ euro để thúc đẩy các sáng kiến và phát minh trong vấn đề này.
Phó Chủ tịch phụ trách việc làm và đầu tư của Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen gọi chiến lược mới là "một cơ hội lớn để ngành công nghiệp châu Âu phát triển vị thế lãnh đạo toàn cầu trong phát triển công nghệ và vật liệu tiên tiến" nhằm giải quyết vấn nạn rác thải nhựa. Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận EU hiện vẫn chưa tìm được cách để đánh thuế sản phẩm nhựa thống nhất trên toàn khối.
Theo Ủy ban châu Âu, EU thải ra 25 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tuy nhiên chỉ chưa tới 30% trong số đó được thu thập để tái chế.
Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban châu Âu Frans Timmermans kêu gọi nâng cao nhận thức, hối thúc các bậc phụ huynh giáo dục con em mình từ sớm về sự nguy hiểm của rác thải nhựa. Theo ông Timmermans, một ống hút nhựa thông dụng chỉ mất 1 giây để sản xuất song cần tới 500 năm để phân hủy và nêu rõ mục tiêu của Ủy ban châu Âu là hướng tới cấm hoàn toàn microplastic trong tương lai.
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất nhựa châu Âu, ngành nhựa EU trị giá 340 tỷ euro trong năm 2015 và tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm. Chủ tịch hiệp hội Karl-H. Foerster nêu rõ các doanh nghiệp nhựa của EU cam kết nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ tái sử dụng và tái chế cao với tham vọng đạt 60% vào năm 2030 và 100% vào năm 2040 trong khu vực liên minh này./.