Ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký Liên đoàn Viễn thông Quốc tế (ITU), cho biết bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Do đó, quản lý rác thải điện tử là một vấn đề cấp bách trong thế giới phụ thuộc vào kỹ thuật số hiện nay giữa lúc các thiết bị điện tử được sử dụng nhiều hơn bao giờ hết.
Năm 2016, số lượng rác thải điện tử là 44,7 triệu tấn, tăng 3,3 triệu tấn, hay 8% so với năm 2014. Các chuyên gia dự đoán lượng rác thải điện tử sẽ tăng thêm 17% lên đến 52,2 triệu tấn vào năm 2021. Trong năm 2016, chỉ có 20%, tương đương 8,9 triệu tấn, rác thải điện tử được tái chế.
Với 53,6% hộ gia đình trên toàn cầu hiện truy cập Internet, những chính sách và luật quản lý rác thải điện tử ở quy mô quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hành vi của những cá thể liên quan đến rác điện tử. Hiện có 66% dân số thế giới, sống tại 67 quốc gia, phải tuân thủ luật quản lý rác điện tử của quốc gia, tăng đáng kể so với tỷ lệ 44% hồi năm 2014.
Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải điện tử thấp có thể gây tác động tiêu cực về mặt kinh tế. Trong các rác thải điện tử năm 2016 có nhiều vàng, bạc, nhôm, platin và nhiều nguyên liệu giá trị cao có thể tái sử dụng, với tổng trị giá ước tính là 55 tỷ USD, con số này cao hơn GDP của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Báo cáo Giám sát Rác thải Điện tử toàn cầu 2017 được công bố bởi ITU, trường Đại học LHQ (UNU) và Hiệp hội Rác thải Rắn Quốc tế (ISWA), nhấn mạnh tới tình trạng rác thải điện tử ngày một gia tăng và cách xử lý và loại bỏ không an toàn thông qua các phương pháp thiêu hoặc chôn. Theo ông Zhao, báo cáo này là nguồn tài liệu quan trọng để các chính phủ dựa vào đó đề ra những chiến lược, những tiêu chuẩn, và chính sách quản lý cần thiết nhằm giảm bớt tác động có hại của rác thải điện tử đối với sức khỏe con người và môi trường./.