LHQ cần xây dựng chiến lược toàn diện về ngăn ngừa xung đột
Ngày 20/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề “Các thách thức đương đại phức tạp đối với hòa bình và an ninh quốc tế” theo đề xuất của Phái đoàn Nhật Bản tại LHQ, Chủ tịch HĐBA tháng 12/2017.Để ứng phó kịp thời và hiệu quả các thách thức trên, TTK nhấn mạnh, LHQ cần đề cao vai trò trung tâm của ngoại giao phòng ngừa gắn liền với phát triển bền vững và tôn trọng quyền con người, trong đó HĐBA cần tận dụng hiệu quả các công cụ sẵn có của LHQ về giải quyết hòa bình tranh chấp và trung gian hòa giải, tăng cường vai trò điều phối trong hệ thống LHQ và hợp tác với các cơ chế an ninh, tổ chức khu vực và tiểu khu vực.
Nhiều nước phát biểu cho rằng, LHQ cần điều chỉnh cách tiếp cận để phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện nay, hoan nghênh các sáng kiến cải tổ của TTK LHQ trên cả 3 trụ cột là hòa bình an ninh, phát triển và công tác quản lý.
Một số nước nhấn mạnh cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như bất ổn chính trị, yếu kém thể chế, đói nghèo, kém phát triển và bất bình đẳng. Một số nước, nhất là các nước đảo nhỏ đang phát triển, cho rằng biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nước cũng ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định và an ninh khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng LHQ cần xây dựng một chiến lược dài hạn và toàn diện về ngăn ngừa xung đột và giữ vững hòa bình, trong đó HĐBA cần phát huy hơn nữa trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Đại sứ khẳng định tính thống nhất trong HĐBA có vai trò quyết định trong quá trình ra quyết sách và phản ứng tập thể trước các vấn đề an ninh quốc tế, ủng hộ cải tổ HĐBA theo hướng tăng tính đại diện, dân chủ, minh bạch và trách nhiệm hơn, bảo đảm thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình.
Đề cập tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định quan điểm của Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp hòa bình, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tôn trọng đầy đủ các nghị quyết liên quan của HĐBA.
Đại sứ khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC).
Đại sứ nhấn mạnh, với việc thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các bên liên quan cần thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng một COC có tính khả thi và ràng buộc pháp lý./.