Hội nghị phát triển dược liệu vùng Tây Bắc
Toàn cảnh hội nghị
Cùng dự còn có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và hơn 250 đại biểu đến từ các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Theo báo cáo, Tây Bắc được đánh giá là một trong các vùng có định hướng phát triển dược liệu rõ nét. Có 36 loài dược liệu đã triển khai trồng ở 14 tỉnh của vùng Tây Bắc, như: Actiso, thảo quả, ý dĩ, đảng sâm, hà thủ ô, sa nhân… Nhiều tỉnh đã tổ chức quy hoạch các vùng nuôi trồng, khai thác dược liệu; phát triển dược liệu gắn với các chương trình, đề án, đặc biệt là chương tình xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu vùng Tây Bắc gặp những khó khăn, thách thức: Chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao; kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu còn hạn chế; thiếu quy trình kỹ thuật… Việc khai thác dược liệu chưa hợp lý, công tác bảo vệ tài nguyên dược liệu chưa được quan tâm đúng mức...
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong khu vực và các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển cây dược liệu vùng Tây Bắc, như: Phát triển cây dược liệu gắn với quản lý, bảo vệ rừng; những công nghệ cao có khả năng ứng dụng để bảo tồn, phát triển dược liệu vùng Tây Bắc thành hàng hóa; phát triển dược liệu gắn với phát triển cộng đồng tại một số tỉnh vùng Tây Bắc; lưu giữ và phát triển bền vững thảo dược vùng Tây Bắc…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khẳng định: Tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn, tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, đó là quy mô dược liệu còn hạn chế, manh mún; chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn dược liệu nhập khẩu; chính sách ưu đãi đầu tư trồng, phát triển dược liệu chưa cụ thể… Để phát triển dược liệu bền vững, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cần có sự liên kết vùng sản xuất nguyên liệu dược liệu giữa các địa phương, tạo vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu cung cấp dược liệu tốt, ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu; cần thiết phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp có tâm huyết, đủ năng lực; đồng thời cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phù hợp của Nhà nước và chính quyền địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu Ban Cán sự đảng các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh trong vùng phối hợp xây dựng quy hoạch chung, liên kết trong vùng trình Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo phát triển dược liệu gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông; triển khai xây dựng sàn giao dịch; thương hiệu và nguồn gốc dược liệu của vùng Tây Bắc; thực hiện một số cơ chế thí điểm của tỉnh Lào Cai. Đồng thời, giám sát kiểm tra đánh giá hiệu quả làm cơ sở áp dụng trên toàn vùng; xây dựng chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện khai thác, bảo tồn dược liệu tự nhiên, phát triển dược liệu dưới tán rừng vừa tăng giá trị rừng lại tăng cường được công tác an ninh bảo vệ rừng… Đối với các tỉnh vùng Tây Bắc, cần chủ động triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển trồng, chế biến dược liệu phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương; định hướng phát triển dược liệu kết hợp phát triển các sản phẩm du lịch, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng trên những địa bàn vừa có thế mạnh về dược liệu, vừa có thế mạnh về du lịch trong các kế hoạch phát triển của tỉnh; chủ động tổ chức các mô hình trồng dược liệu có sự gắn kết chặt chẽ giữa 5 nhà (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và ngân hàng); tăng cường áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển dược liệu tại các địa phương…
Một số gian hàng trưng bày các sản phẩm dược liệu: