Huy động nguồn lực cho giảm nghèo

Với mục tiêu giảm từ 3% - 4% hộ nghèo/năm, cùng với triển khai thực hiện chính sách của Trung ương liên quan đến chính sách giảm nghèo trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên.

Ưu tiên nguồn lực thực hiện giảm nghèo

Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là mục tiêu hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án số 9 về “Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020”. Mục tiêu của đề án là cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Vĩnh Hà (Bảo Yên).                  Ảnh: Mạnh Dũng

Để thực hiện mục tiêu đề án, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và lồng ghép từ Nghị quyết 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Cùng với đó, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể đã có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ. Qua đó, đã kịp thời giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo sớm ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong 2 năm (2016 - 2017), tổng vốn huy động cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là 4.800 tỷ đồng. Nhiều chương trình, dự án được đầu tư, hỗ trợ kịp thời và phát huy hiệu quả, như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cho vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả… giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.

Trong 2 năm thực hiện đề án, tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 769 người làm công tác giảm nghèo ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 27.985 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 43,1% (năm 2015) lên 47,74% (năm 2017); giải quyết việc làm cho 24.650 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55% (năm 2015) lên 59,7% (năm 2017); có 300 người tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông... Đặc biệt, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông - lâm nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đặc biệt, 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt kết quả tích cực.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh

Cùng với triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, để ý thức người dân được nâng lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Kết quả sau 2 năm thực hiện Đề án số 9 về “Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020”, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân gần 6%/năm (mục tiêu đề án 3% - 4%/năm). Cụ thể, năm 2016, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 43.835 hộ, chiếm 27,41% (trong đó, hộ nghèo về thu nhập 41.721, chiếm 95%; hộ nghèo về đa chiều 2.114 hộ, chiếm 5%); hộ cận nghèo 16.821 hộ, chiếm 10,52%. Huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất là Bắc Hà (47,21%), huyện có tỷ lệ giảm nghèo thấp nhất là Bảo Thắng (20,49%).

Trồng dứa giúp nhiều hộ dân ở Bản Lầu (Mường Khương) thoát nghèo.

Năm 2017, tổng hợp sơ bộ từ các huyện, thành phố, toàn tỉnh có 7.798 hộ thoát nghèo (tương đương giảm 5,49%); còn 36.037 hộ nghèo, chiếm 21,91% (trong đó, 34.989 hộ nghèo về thu nhập, chiếm 97,09%; 1.048 hộ nghèo đa chiều, chiếm 2,91%); 17.486 hộ cận nghèo, chiếm 10,63%. Huyện Bắc Hà vẫn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với 38,92%; huyện Bảo Thắng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, với 14,4%; 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% - 69%, giảm 11 xã so với năm 2016.

Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù tỷ lệ giảm nghèo đạt cao, nhưng thiếu bền vững, bởi tốc độ giảm nghèo ở các địa phương không đồng đều và Lào Cai vẫn thuộc tỉnh trong nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao của cả nước. Các chính sách, dự án giảm nghèo đầu tư dàn trải; còn bất cập trong thực hiện chính sách đối với nghèo đa chiều (hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ, ngoài việc hỗ trợ 70% mức đóng  BHYT). Tình trạng thiếu đất canh tác nông nghiệp xảy ra nhiều vùng. Không ít người lao động, nhất là lao động nông thôn và dân tộc thiểu số chưa tích cực tham gia học nghề, chủ động tìm việc làm. Thái độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động…

Để đạt được nội dung, mục tiêu của đề án, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể để triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác lãnh đạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, nhân dân về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, để mọi người dân hiểu rõ, nắm chắc chính sách của Nhà nước. Qua đó, khơi dậy ý chí vươn lên, quyết tâm thoát nghèo của những hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; tổ chức tư vấn, phổ biến, hướng dẫn nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả. Đầu tư mở rộng ngành nghề phù hợp thực tiễn từng địa phương, chú trọng phát triển loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh và tạo thuận lợi trong công tác xuất khẩu lao động.

Theo Quang Minh/LCĐT

Tin Liên Quan

[Infographic] Một số kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI về công tác cán bộ nữ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, đề án và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Dưới đây là một số kết quả từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay về công tác cán...

3 sản phẩm trà của Lào Cai được trao giải tại cuộc thi "Trà thế giới"

Tỉnh Lào Cai có 3 sản phẩm trà chế biến từ nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ núi Hoàng Liên Sơn - thị xã Sa Pa vừa được nhận giải thưởng cuộc thi "Trà thế giới" AVPA Paris 2024.

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc chú trọng thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo trật tự xã hội, đẩy lùi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch...

Hỗ trợ người dân và học sinh bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Ngày 04/11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai phối hợp với Đoàn Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện Cần Đước, tỉnh Long An tổ chức chương trình hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng về người và tài sản do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) tại huyện Bảo Yên và huyện Bảo Thắng.

Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt năm 2024

Sáng 5/11, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung Kế hoạch tham gia và phối hợp tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt (Hồng Hà) năm 2024. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.