Khai thác di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững
Do đặc thù vị trí địa lý và đặc trưng vùng miền, Lào Cai có hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, phong phú; trong đó, có những di sản mang tầm vóc thế giới, được nhân loại tôn vinh. Đặc biệt, các di sản văn hóa - lịch sử đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch, nhất là khi tỉnh có chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.Nằm ở khu vực cửa ngõ của tỉnh, lại ở gần cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, chiêm bái, đền Bảo Hà (đền ông Hoàng Bảy), thuộc địa phận xã Bảo Hà (Bảo Yên) là điểm du lịch nổi tiếng của không chỉ Lào Cai, mà của cả nước. Đây là 1 trong 2 ngôi đền đầu tiên trong tỉnh được Nhà nước trao Bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ông Phạm Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích đền Bảo Hà cho biết: Từ khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, lượng du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái đền Bảo Hà đã tăng nhiều. Đặc biệt, 2 năm gần đây, khi đền được trùng tu, tôn tạo đã thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan chiêm bái.
Di tích bãi đá cổ dưới thung lũng Mường Hoa (Sa Pa) luôn thu hút du khách nước ngoài khi đến Lào Cai. |
Danh thắng Ruộng bậc thang Sa Pa nằm ở thung lũng Mường Hoa là quần thể ruộng bậc thang lớn nhất Việt Nam (rộng 935,4 ha), thuộc địa bàn các xã: Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào; trong đó, có cả di tích bãi đá cổ với nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử của người Việt cổ còn lưu giữ khá nguyên vẹn đến ngày nay. Trong những năm qua, danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa đã tạo đột phá về thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Chỉ tính 10 tháng năm 2017, khu di tích này đã đón gần 60.000 lượt khách du lịch, trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế; nếu được tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo và làm đường tham quan thuận lợi thì số du khách đến tham quan sẽ còn tăng cao hơn.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục khu di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh góp phần rất quan trọng vào việc thu hút du khách đến với Lào Cai thời gian qua.
Thấy được tầm quan trọng và vai trò đặc biệt của các di tích lịch sử, văn hóa, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tiến hành khảo sát, lập bản đồ để từ đó có giải pháp khôi phục, trùng tu, tôn tạo; trong đó, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài. Được biết, năm 1999, Lào Cai có 3 di tích là Dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), động Mường Vi (Bát Xát) và đồn Phố Ràng (Bảo Yên) được công nhận cấp quốc gia, chưa có di tích cấp tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 35 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng (19 di tích quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh). Bên cạnh đó, Lào Cai đang có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể như các lễ hội, nghi lễ… của các địa phương, vùng miền và các dân tộc khác nhau, tất cả tạo nên sức hút mạnh đối với du khách.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Những năm gần đây, việc khai thác, phát huy giá trị của các di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch ngày càng được các cấp, các ngành coi trọng. Bởi thực tế cho thấy, ở đâu có di sản văn hóa, ở đó có khách du lịch đến và khi có hoạt động du lịch sẽ kéo theo các hoạt động dịch vụ khác; qua đó sẽ mang lại nhiều lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế. Vì vậy, việc chú trọng bảo tồn, tôn tạo và khôi phục các di sản văn hóa là một mũi tên trúng nhiều đích.
Hiện nay, ngoài các di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước tổ chức bảo tồn, trùng tu, tạo sức hút đối với khách du lịch; ở nhiều địa phương, người dân cũng bắt đầu có phong trào tự gìn giữ, khôi phục các di tích ở làng, xã, thôn, bản, trước hết là để nâng cao đời sống tinh thần, sau để phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh có 5 làng cổ của các dân tộc được bảo tồn, tôn tạo là: Bản Cát Cát của người Mông, xã San Sả Hồ; thôn Sả Séng của người Dao, xã Tả Phìn; thôn Bản Dền của người Tày, xã Bản Hồ (Sa Pa); thôn Lao Chải của người Hà Nhì, xã Y Tý (Bát Xát) và thôn Trung Đô của người Tày, xã Bảo Nhai (Bắc Hà). Tại mỗi làng cổ, các đặc trưng văn hóa tộc người như: Nhà cổ mái lợp gỗ pơ mu, nhà sàn nửa đất, nhà trình tường khuôn viên cổ truyền, gắn với các nghề thủ công như dệt vải, nhuộm chàm, làm đồ gỗ, rèn đúc, chạm khắc bạc, nấu rượu, tắm lá thuốc... đã trở thành điểm, tuyến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Các di tích lịch sử, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong thu hút khách du lịch đến với Lào Cai. Tuy nhiên, việc khai thác những di sản này trong hoạt động du lịch ở một số nơi vẫn còn hạn chế, bất cập. Vì nôn nóng muốn thu hút du khách, nên một số địa phương, cơ quan chức năng tổ chức tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử, văn hóa chưa theo đúng quy định, chất lượng kém, thậm chí xâm hại đến di tích. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch tại một số di sản văn hóa còn phát triển tự phát, đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước, nên chưa đem lại hiệu quả doanh thu cao cũng như kéo du khách quay lại tham quan những lần tiếp theo.
Để các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh “hút” du khách đến với Lào Cai, cần có chủ trương, chính sách xứng tầm để tôn tạo, bảo tồn; đồng thời, có chiến lược khai thác, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, giúp du khách có những trải nghiệm đặc biệt, sống động, cảm nhận được các giá trị văn hóa.
Từ thực tế thành công của một số địa phương trong tỉnh cho thấy, các di sản văn hóa như “gà đẻ trứng vàng” cho ngành du lịch. Vì vậy, các cấp, ngành cần nhìn nhận một cách đầy đủ để có định hướng khai thác có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch; trong đó, quan trọng nhất là việc tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù, độc đáo riêng có của từng di sản văn hóa. Cùng với đó, cách tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp, tạo được ấn tượng tốt đẹp và sự hài lòng của du khách. Song, cũng cần có giải pháp phù hợp để du lịch có thể có những đóng góp quay lại cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa - lịch sử.