Lào Cai: Phát triển thương mại - dịch vụ xứng tầm “cửa ngõ” giao thương
Bằng những cơ chế chính sách mới, tỉnh Lào Cai đang từng bước thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển xứng tầm cầu nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh và vị trí cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc.Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai phát triển năng động. (Ảnh: Gia Chiến)
Du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh. 10 tháng đầu năm, Lào Cai đã đón trên 3 triệu 140 nghìn lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 8 nghìn 400 tỷ đồng. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt trên 13.920 tỷ đồng, tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm tạo cơ hội hợp tác phát triển, Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung được hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) luân phiên tổ chức hằng năm. Hội chợ năm nay sẽ diễn ra từ ngày 10 - 15/11/2017 tại Trung tâm Triển lãm Kim Thành, Khu Thương mại – Công nghiệp Kim Thành, thành phố Lào Cai.
Gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc hữu của Lào Cai tại Hội chợ.
Với chủ đề “Hội nhập – Hợp tác cùng phát triển”, hội chợ năm nay thu hút 600 – 800 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngoài các doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc, hội chợ năm nay còn có doanh nghiệp đến từ nước thứ 3 như Hàn Quốc, Thái Lan,… Đây là cơ hội giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên kết phát triển sản phẩm, kinh doanh thương mại, dịch vụ… Hội chợ nhằm phát huy vai trò, vị trí “cầu nối ” của 2 tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Để chuẩn bị không gian, cơ sở hạ tầng cho phát triển thương mại, dịch vụ trong những năm tới, UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Quy hoạch có quan điểm phát triển thương mại theo hướng hiện đại và văn minh; lấy dịch vụ xuất nhập khẩu và dịch vụ du lịch làm trọng tâm với điểm nhấn là Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Tập trung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành khu trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước và khu vực ASEAN- Trung Quốc. Hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới với chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút đầu tư kinh doanh.
Tạo điều kiện để các thương nhân phát triển hệ thống phân phối đồng bộ từ khâu tổ chức nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, tổ chức lưu thông và cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ bán hàng thuộc các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng trong tỉnh.
Đến năm 2025, thành phố Lào Cai sẽ bổ sung xây dựng thêm 3 chợ, nâng tổng số lên 18 chợ. Đầu tư chợ tại các phường mới được đô thị hóa và các xã trên địa bàn thành phố. Tập trung phát triển hệ thống các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, nông sản của địa phương tại các khu vực đô thị, khu vực đông dân cư. Quy hoạch thêm 06 kho bãi hàng hóa tại khu kinh tế cửa khẩu với nhu cầu về diện tích đất trên 25ha; thu hút đầu tư xây dựng các dự án về logistics trong khu chức năng Kim Thành - Bản Vược với diện tích trên 330 ha.
Tập trung phát triển các loại hình hạ tầng thương mại đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch gắn với các điểm, tuyến, khu du lịch đã được quy hoạch. Trong thời gian tới, Lào Cai có thể lựa chọn chợ Cốc Lếu và khu vực xung quanh để hình thành khu trung tâm bán buôn hàng nhập khẩu.
Không chỉ ban hành quy hoạch, Lào Cai đã xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020; quy chế xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai; chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu Kinh tế cửa khẩu…tạo tiền đề vững chắc đưa thương mại, dịch vụ của địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh./.