Hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai Bộ Luật Hình sự và Luật Tiếp cận thông tin
Sáng 4/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt triển khai Bộ Luật Hình sự và Luật tiếp cận thông tin. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo đại diện 59 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Luật tiếp cận thông tin. Theo đó, Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Trong đó, Bộ Luật hình sự năm 2015 với những điểm mới đó là: tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng theo tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân; góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả trong tình hình mới, tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng; những quy định của Luật nhằm nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hội nghị cũng đề cập những quy định mới, cụ thể trong từng chương của Bộ Luật hình sự năm 2015.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Đối với Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 gồm 5 chương, 37 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Đây là luật quy định chung về tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013 (Điều 14). Luật tiếp cận thông tin đã cụ thể hóa tối đa phạm vi, nội dung quyền tiếp cận thông tin; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu và công khai thông tin cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc tổ chức thực thi quyền tiếp cận thông tin của công dân. Việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân, làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định, như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Tại hội nghị, đại diện các điểm cầu địa phương đã trình bày tham luận về công tác quán triệt Bộ luật hình sự 2015 và Luật tiếp cận thông tin, việc chuẩn bị thực hiện tại các địa phương khi bắt đầu có hiệu lực (từ 01/01/2018 đối với Bộ Luật hình sự 2015 và từ 01/7/2018 với Luật tiếp cận thông tin). Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giải đáp thắc mắc liên quan đến việc triển khai Bộ luật hình sự và Luật tiếp cận thông tin đồng thời yêu cầu các bộ, ban, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu, phổ biến tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đạt hiệu quả cao nhất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc thi hành đầy đủ hai luật nói trên khi bắt đầu có hiệu lực./.