Lào Cai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa địa lan tại Sa Pa.
Xác định vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp Lào Cai đưa ra nhiều giải pháp như tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ban hành một số chính sách, quy định về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có việc khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường đầu tư, đến nay có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang chuẩn bị đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Lào Cai cũng chủ động hợp tác với các tỉnh có kinh nghiệm để học tập kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và tỉnh Lâm Đồng đang là đối tác quan trọng nhất. Gần đây, hai tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác tham quan và chuyển giao kỹ thuật trong nhân giống hoa, kỹ thuật gieo giống trên khay, xây dựng nhà lưới, nhà kính,…
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra cho ngành nông nghiệp nhiệm vụ rất nặng nề, đó là nâng giá trị sản xuất/ha đất canh tác đến năm 2020 đạt trên 80 triệu đồng/năm (năm 2015, giá trị sản xuất/ha đất canh tác mới đạt 51,42 triệu đồng/năm). Do đó, để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh xác định đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp then chốt.
Trong đó, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện một số giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp nhằm chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, lao động kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu; bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân; có cơ chế chính sách về đất đai, khuyến khích việc tích tụ ruộng đất, xây dựng chuỗi liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, HTX từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bền vững. Đẩy mạnh tổ chức xây dựng hệ thống phân phối, quảng bá, giới thiệu, cung ứng sản phẩm; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông sản Lào Cai. Đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển giao và tiếp nhận tiến bộ khoa học mới vào sản xuất nông nghiệp…