Mở rộng vùng trồng quýt gắn với du lịch
Tại Mường Khương, những năm gần đây, cây quýt được mở rộng quy mô nhanh chóng và trở thành cây ăn quả hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Vùng quýt Mường Khương nổi tiếng cả tỉnh, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn mở ra triển vọng du lịch cho địa phương.Thế mạnh phát triển kinh tế
Giống quýt ngọt (hay còn gọi là quýt sen) là một trong những loại quả đặc sản tại Mường Khương. Đây là giống quýt có vị ngọt thanh, quả to, mẫu mã đẹp, tép giòn, đỏ, không bị nát. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh, sự chuyên tâm đầu tư của người dân, diện tích cây quýt trên địa bàn huyện liên tục tăng. Quýt ngọt Mường Khương ngày càng khẳng định được chất lượng trên thị trường và được người dân sản xuất theo hướng chuyên canh, mở rộng quy mô. Hiện, huyện có 348 ha quýt, trong đó 100 ha đang cho thu hoạch quả. Cây quýt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại thị trấn Mường Khương và các xã lân cận như Thanh Bình, Tả Ngài Chồ, Tung Chung Phố, nên cây phát triển tốt, ít sâu bệnh hại. Mỗi năm, 1 ha quýt có thể cho thu khoảng 12 tấn quả, giá trị kinh tế mang lại đạt 180 triệu đồng (với giá bán 15.000 đồng/kg).
Vào dịp cuối tuần, nhiều bạn trẻ tổ chức tham quan, dã ngoại ở vườn quýt. |
Từ đầu tháng 9, một số diện tích quýt bắt đầu cho thu hoạch. Quýt Mường Khương chín rải vụ, với thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 12, do đó, lượng quýt tại địa bàn xuất bán mỗi ngày không nhiều. Hiện nay, thị trường tiêu thụ quýt vẫn đang mở rộng, nhưng lượng cung không đủ so với nhu cầu. Vào vụ quýt, các thương lái trong và ngoài tỉnh thường đến tận vườn thu mua với số lượng lớn hoặc mua cả vườn. Do thiếu nguồn cung, vì lợi nhuận nên các tiểu thương mua quýt Trung Quốc về bán, giả là sản phẩm quýt Mường Khương còn khá phổ biến.
Với đầu ra ổn định, cây quýt đang dần trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Huyện Mường Khương đã có phương án xây dựng thương hiệu và quy hoạch mở rộng vùng trồng lên 400 ha quýt, hình thành chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt tại địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tiềm năng du lịch
Mường Khương không phải vùng “đất vàng” về du lịch, nên những năm qua, lượng khách đến địa phương còn khá khiêm tốn, chủ yếu là khách nước ngoài. Những phiên chợ văn hóa và ẩm thực đặc sắc vùng cao kết hợp với vườn quýt vào mùa thu hoạch trĩu quả chính là yếu tố quan trọng góp phần thu hút khách du lịch. Cứ mỗi mùa quýt chín, Mường Khương lại trở nên “rộn ràng” hơn, bởi lượng khách đến tham quan và thu hái quýt tại vườn. Nắm thời cơ, nhiều hộ trồng quýt đã cho khách tham quan miễn phí và thu hái, mua quýt tại vườn. Đây cũng là dịch vụ rất hút khách mỗi khi quýt vào vụ và giải tỏa được nỗi băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm so với quýt được bày bán tại chợ.
Chị Thào Thị Lan, thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố cho biết: Vào mỗi vụ quýt, gia đình thường đón khách đến tham quan và mua quýt tại vườn. Việc làm này giúp “thượng đế” an tâm hơn và đảm bảo mua được đúng sản phẩm quýt Mường Khương, đồng thời giúp gia đình giảm số lượng lần thu hái để bán lẻ tại các buổi chợ như trước đây.
Ông Giang Trung Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương nhận định: Quýt là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định cho người dân. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng vùng quýt hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân từ cây trồng này.
Hoạt động du lịch tại Mường Khương hiện mới chỉ là tiềm năng, chưa có sự đầu tư thỏa đáng để tạo sức hút. Nhưng với những tiềm năng hiện có, Mường Khương hoàn toàn có thể khai thác và phát triển du lịch văn hóa địa phương gắn với các hoạt động từ các mô hình trồng cây ăn quả.