Dưới cờ Ðảng làm theo lời Bác
Dưới lá cờ Đảng tung bay, họ đã biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trở thành hành động thiết thực để cải tạo hủ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Những cách làm mới và sáng tạo với hạt nhân là các đảng viên gương mẫu, đã và đang làm diện mạo nông thôn vùng cao Lào Cai thêm khởi sắc.Bài 1: Nậm Sang một lòng theo Ðảng
Từ xa nhìn lại, thôn Nậm Sang nằm giữa trập trùng núi non, ruộng bậc thang bát ngát màu vàng. Đây là thôn người Xa Phó duy nhất của xã Nậm Sài (huyện Sa Pa), tuy xa trung tâm xã và đường giao thông khó khăn, nhưng điều khiến chúng tôi bất ngờ là đời sống người dân ngày càng no ấm hơn khu vực trung tâm xã. Đồng chí Nguyễn Trường Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sài cho biết, “chìa khóa” để Nậm Sang phát triển chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhiệt tình, tiên phong trong mọi hoạt động để bà con noi theo.
Điểm sáng về công tác phát triển đảng viên
Ông Hù Lù Phệ gần 20 năm làm Bí thư chi bộ Nậm Sang cho biết, thôn Nậm Sang có 58 hộ dân với 247 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Xa Phó. Mặc dù số hộ dân không nhiều, nhưng chi bộ Nậm Sang lại có tới 18 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên dự bị. Hiện nay, Nậm Sang có 2 quần chúng ưu tú đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị kết nạp Đảng.
Bí thư chi bộ Hù Lù Phệ tích cực vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. |
Đảng viên cao tuổi nhất thôn Nậm Sang Hù Lù Phệ chia sẻ: “Phấn đấu trở thành đảng viên chính là góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, xua tan đói nghèo, mang lại ấm no. Chi bộ có vững mạnh, thì thôn, bản mới phát triển. Muốn thế, cần tích cực tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng kết nạp nhiều đảng viên”. Lúc đầu, nhận thức của đồng bào Xa Phó còn hạn chế, nên công tác phát triển đảng viên gặp không ít trở ngại. Nhưng, với sự kiên trì, nỗ lực tuyên truyền của Bí thư chi bộ Hù Lù Phệ, ngày càng nhiều quần chúng ưu tú người Xa Phó trở thành đảng viên.
Với nhiều chi bộ ở các thôn, bản vùng cao, việc phát triển đảng viên đã khó, phát triển đảng viên nữ lại càng khó hơn. Vậy mà, Chi bộ Nậm Sang hiện có 6 đảng viên nữ, tuổi từ 33 - 40. Đó là các đảng viên Hù Thị Kinh, Vàng Dò Vi, Hù Nhìu Sa, Vàng Vi Khá, Giàng Mu Mạ, Hù Thị Huyền. Trong đó, chị Hù Thị Huyền hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, chị Giàng Mu Mạ hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Chính đội ngũ cán bộ, đảng viên năng động, nhiệt tình, tiên phong, gương mẫu là “đòn bẩy” cho Nậm Sang thay đổi.
Giúp đồng bào Xa Phó xóa bỏ hủ tục
Khu dân cư chính của thôn Nậm Sang tập trung trên 20 hộ, nhà ở san sát, nhưng khá sạch sẽ, không có cảnh trâu, bò, lợn cọc trước cửa nhà, phân gia súc ô nhiễm như ở nhiều nơi khác. Trong thôn tuy mới có 6 căn nhà đảm bảo đủ “3 cứng” (cứng nền, cứng mái, cứng tường), chủ yếu vẫn là nhà vách nứa, mái lợp pro-xi măng, nhưng nhà nào cũng được quét dọn sạch sẽ, có nhà tiêu bán kiên cố. Nhiều năm qua, Nậm Sang không có hiện tượng tảo hôn, sinh con thứ ba, không xảy ra tệ nạn xã hội. Hiện, 100% trẻ em được đến trường học, điều đáng nói là có nhiều em học hết THCS, tiếp tục đi học THPT; 6 em đã và đang học cao đẳng, em Hù Nu Sa Mạ đang học đại học.
Bí thư Chi bộ Hù Lù Phệ nhớ lại: Hơn chục năm trước, đồng bào Xa Phó ở Nậm Sang lạc hậu lắm. Trẻ con trong thôn sinh ra phải do thầy mo đặt tên. Ở đây bà con còn kiêng người khác đeo dao bước vào nhà mình, kiêng giã gạo ban ngày. Khi trong thôn có người chết, hôm đó tất cả đều phải vác chày, cối đến nhà người đó giã gạo, chứ tuyệt đối không được giã gạo ở nhà mình. Nhà nào có con trai 14, 15 tuổi bố mẹ đã tìm chỗ để hỏi vợ. Trước đây, hầu hết nhà dân chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, người dân cũng chưa có thói quen sử dụng nhà tiêu như bây giờ… Những hủ tục đó giờ đã được xóa bỏ.
- Vậy làm thế nào để xóa được những hủ tục đã ăn sâu vào nếp sống của bà con Xa Phó ở đây?
Ông Hù Lù Phệ cười và cho biết: Trong những cuộc họp chi bộ, họp thôn, tôi đều quán triệt đến các đảng viên, đặc biệt là đảng viên nữ phải tích cực tuyên truyền, giải thích, tiên phong, gương mẫu bỏ các thói quen cũ ngay từ gia đình mình (bữa ăn, giấc ngủ, tắm giặt, vệ sinh, chăn nuôi gia súc…). Từ đó, các thành viên khác dần dần làm theo. Nhà nào chưa thực hiện được thì chi bộ phân công đảng viên đến kiên trì vận động, cầm tay chỉ việc, “mưa dầm thấm lâu”…
Cùng với nỗ lực xóa bỏ hủ tục, các đảng viên dân tộc Xa Phó ở Nậm Sang còn tích cực cùng bà con bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch. Đảng viên Giàng Mu Mạ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Sài chia sẻ: Phụ nữ Nậm Sang giữ gìn và phát huy nghề thêu thổ cẩm, nhiều chị em tham gia Câu lạc bộ thổ cẩm của xã Nậm Sài. Mỗi bộ váy, áo thổ cẩm Xa Phó thêu hoa văn đẹp được bán cho du khách với giá trên 3 triệu đồng. Các đồ lưu niệm khác như túi, ví, mũ… đều có giá từ một trăm nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Ngoài ra, thôn Nậm Sang còn thành lập được Đội múa dân tộc Xa Phó với 10 chị em tham gia, vừa sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy các điệu múa độc đáo của dân tộc, vừa biểu diễn cho du khách xem. Chị Lý Hề Phờ, thành viên của đội múa cho biết: Trong 10 chị em tham gia đội múa thì có 3 đảng viên, đó là những người đưa ra ý tưởng thành lập đội, thường xuyên dẫn dắt, khuyến khích chị em tập luyện. Bí thư chi bộ thôn cũng thường xuyên quan tâm, động viên chúng tôi bảo tồn điệu múa của dân tộc để phục vụ khách du lịch.
Đảng viên tiên phong phát triển kinh tế
Chúng tôi đến thôn Nậm Sang đúng thời điểm bà con trong thôn đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa. Anh Vàng Như Ba, Trưởng thôn Nậm Sang chia sẻ: Vụ này được mùa hơn so với năm trước, nên bà con phấn khởi lắm. Với đồng bào Xa Phó ở Nậm Sang thì thóc và ngô vẫn là nguồn thu chính. Hai năm trở lại đây, đồng bào Xa Phó đã tích cực tăng gia sản xuất để xóa đói, giảm nghèo, điển hình là trồng cây vụ đông như ngô tím, khoai tây để nâng cao thu nhập.
Thôn Nậm Sang nằm giữa trập trùng núi non. |
Vụ đông năm 2015, bà con Xa Phó thôn Nậm Sang trồng 2 ha ngô tím đầu tiên. Năm 2016, người dân trồng 3 ha ngô tím và 1 ha khoai tây. Khoai tây sau khi thu hoạch, bà con dự trữ để dùng trong mùa đông, còn ngô tím bán cho khách du lịch. Trong khi giá ngô hàng hóa ở các nơi đang thấp, thì mỗi bắp ngô tím ở Nậm Sang có giá bán 5.000 đồng. Gia đình anh Vàng A Khá, Lý Mu Sa, Nhìu Hi Sa… bán ngô tím thu nhập 5 -7 triệu đồng. Những tín hiệu vui đó tạo niềm tin để vụ đông năm nay người dân Nậm Sang mở rộng thêm diện tích trồng cây vụ đông.
Đồng chí Nguyễn Trường Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sài cho biết: Ban đầu, nhiều hộ dân tộc Xa Phó còn e ngại, vì bà con chưa trồng cây vụ đông bao giờ. Lần đầu tiên nhìn thấy hạt ngô tím, bà con sợ cây ngô mới trồng trên đất này không cho thu hoạch. Để tạo niềm tin cho nhân dân, Bí thư Chi bộ Hù Lù Phệ và cán bộ, đảng viên người Xa Phó ở Nậm Sang đã tiên phong trồng ngô tím, khoai tây trên chân ruộng một vụ. Khi ngô tím, khoai tây cho thu hoạch, bà con thấy rõ hiệu quả, đã tích cực làm theo. Cũng vào cuối năm 2016, người dân Nậm Sang còn trồng 0,5 ha cỏ voi để chăn nuôi gia súc. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục triển khai trồng cây ăn quả có múi như cam V2, cam Vinh, chanh… các đảng viên người Xa Phó ở Nậm Sang cũng tích cực đăng ký trồng thí điểm, hy vọng mở hướng thoát nghèo cho nhân dân.
Chúng tôi chia tay Nậm Sang mà còn nhớ mãi những lời tâm sự của anh Vàng A Khá, một người dân ở đây: Nếu không có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự gần gũi, tận tâm động viên, hướng dẫn bà con trồng các loại cây giống mới của Bí thư chi bộ Hù Lù Phệ và các đảng viên Chi bộ Nậm Sang, thì không thể mở ra được hướng xóa đói, giảm nghèo mới cho bà con. Cán bộ, đảng viên Nậm Sang đã thắp lên ngọn lửa ấm, cho chúng tôi thêm niềm tin, động lực để vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Tôi và gia đình cảm ơn Đảng, cảm ơn cấp ủy, chính quyền xã và các đảng viên chi bộ Nậm Sang nhiều lắm. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào Xa Phó ở Nậm Sang luôn một lòng theo Đảng, chung tay đoàn kết xây dựng cuộc sống mới thêm ấm no, tiến bộ.