Phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Với điều kiện tự nhiên đặc thù, Lào Cai có nhiều lợi thế để phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Với gần 1.000 ha diện tích trồng cây dược liệu tập trung ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương,… cây dược liệu đang góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.Một số loại cây dược liệu như Sâm Ngọc linh, Thạch hộc, Đan sâm, Cát cánh, Bạch truật, Bìm bìm, Độc hoạt, Chùa dù… đang trồng thử nghiệm tại một số điểm tại huyện Bắc Hà, Bát Xát và Vườn Quốc gia Hoàng liên đều sinh trưởng phát triển tốt và tương đối ổn định. Tổng sản lượng dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh ước tính khoảng 3.000 - 4.000 tấn khô; trong đó riêng cây Atiso chiếm trên 50% sản lượng; ngoài ra các cây dược liệu khác như Xuyên khung gần 100 tấn, Đương quy khoảng 50 tấn, Ý dĩ hơn 50 tấn, Sa nhân tím 15 tấn… Giá trị thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích cho lợi nhuận 90 - 120 triệu/ha.
Người dân Sa Pa chăm sóc Atiso (Ảnh: Thanh Nga)
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng trồng hàng hoá các cây dược liệu theo nhu cầu đặt hàng của các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu trong và ngoài tỉnh như: Cây Atiso, Chè dây tại Sa Pa; cây Xuyên khung tại Bát Xát; cây Đương quy tại Bát Xát, Bắc Hà; Ý dĩ tại Si Ma Cai, Bắc Hà; Sa nhân tím tại Mường Khương, Bát Xát. Vùng sản xuất dược liệu đã được tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, tại tỉnh Lào Cai có 02 cây dược liệu là Atiso (trồng trọt, thu hái tại huyện Sa Pa) và Chè dây (thu hái tại huyện Sa Pa, Bát Xát) đã được Bộ Y tế đánh giá, công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở nghiên cứu và bảo tồn cây thuốc tại thị trấn Sa Pa (Trại nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa, Viện Dược liệu) và 02 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm cây Atiso (cô đặc thành bánh cao Atiso) và nhóm cây thuốc tắm của người Dao đỏ (chế biến thành 5 sản phẩm thuốc tắm, thuốc bôi…); 329 cơ sở được Sở Y tế tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có phạm vi kinh doanh thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; 25 cơ sở y tế sử dụng dược liệu và 14 phòng chuẩn trị y học cổ truyền hoạt động trên địa bàn được Sở Y tế tỉnh cấp phép hoạt động. Khoảng70% sản lượng dược liệu sản xuất ra được các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng và thu mua các sản phẩm Atiso, Chè dây, Giảo cổ lam, Cam thảo, Xuyên khung, Đương quy, Cát cánh, Đan sâm, Ý dĩ, Thất diệp nhất chi hoa, Thạch hộc tím, Sói rừng…
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất cây dược liệu; các mô hình, dự án được lồng ghép, hỗ trợ thông qua các chương trình 30a, 135, vốn Trung ương và của địa phương. Một số dự án phát triển dược liệu đang triển khai trên địa bàn tỉnh như: Dự án “Phát triển cây dược liệu huyện Bắc Hà giai đoạn 2014 - 2020” triển khai tại 9 xã, đầu tư phát triển 9 loại cây dược liệu; Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, giai đoạn 2014 - 2020”, trong đó phát triển 03 loại cây dược liệu; Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016 - 2020” triển khai tại 6 huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn; Dự án “Phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Sa Pa năm 2017” triển khai tại 4 xã, phát triển 03 loại cây dược liệu… và một số dự án khác đang xin chủ trương đầu tư.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh phấn đấu duy trì và phát triển vùng trồng cây dược liệu ổn định với quy mô 1.900ha trên địa bàn các huyện nằm trong quy hoạch (Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn); đảm bảo trên 80% vùng trồng nguyên liệu dược liệu được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt hàng theo hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phấn đấu 60% sản lượng cây dược liệu được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ, chế biến sản phẩm theo hình thức liên kết; 60% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn“Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” của Tổ chức Y tế Thế giới./.