Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, an toàn an ninh thông tin
Nằm trong khuôn khổ chương trình “Hội thảo hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam lần thứ XXI năm 2017” tại Lào Cai chiều 06/10, phân ban 1 của Hội thảo với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, an toàn an ninh thông tin” đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của các sở thông tin và truyền thông, doanh nghiệp viễn thông trong cả nước nhằm đưa ra các giải pháp, kinh nghiệm thực tế triển khai xây dựng chính quyền điện tử, an toàn an ninh thông tin.Đồng chí Hồ Khánh Quang - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận từ các địa phương như: Bước tiếp theo trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng; nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử - hướng đến sự hài lòng của người dân; công tác triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công qua dịch vụ Bưu chính công ích; xây dựng Chính quyền điện tử và các Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh; mô hình chính quyền điện tử, hệ thống điều hành và chữ ký số; phát triển Chính quyền điện tử gắn kết mạng xã hội tại tỉnh Đồng Nai; chương trình KC01/16-20: Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm phục vụ Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2020; giải pháp chính phủ điện tử của VNPT và thực tế triển khai tại Việt Nam; An toàn thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử.
Lào Cai là một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển và ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước. Lào Cai có nhiều mô hình nổi bật chia sẻ kinh nghiệm với các đại biểu tỉnh bạn. Trong đó có mô hình Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh; hệ thống kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; cơ sở dữ liệu dùng chung nền tảng phục vụ chính quyền điện tử; các giải pháp tương tác giữa người dân với chính quyền các cấp như: triển khai dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính; thanh toán dịch vụ hành chính công không dùng tiền mặt; đánh giá sự hài lòng của người dân với cán bộ phận “một cửa”, ứng dụng chữ ký số trong văn bản điện tử…
Các đại biểu đã thảo luận các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Một số giải pháp được đánh giá cao như "Phát triển Chính quyền điện tử gắn kết mạng xã hội tại tỉnh Đồng Nai". Thay vì việc phải đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để nộp hồ sơ, người dân và doanh nghiệp có thể đăng ký, nộp hồ sơ trực tuyến trên website và có thể lựa chọn việc yêu cầu bưu điện đến tận nhà, trụ sở để nhận hồ sơ thông qua việc đăng ký trên website hoặc yêu cầu hỗ trợ, giải đáp vướng mắc qua Tổng đài 1022. Nổi bật của giải pháp này là khả năng chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp qua tin nhắn SMS hoặc tin nhắn Zalo ZMS. Bất cứ khi nào có sự thay đổi về trạng thái hồ sơ, hệ thống sẽ tự động nhắn tin để người dân cập nhật được tình trạng hồ sơ của mình. Trường hợp hồ sơ trễ hạn, sẽ có tin nhắn với nội dung xin lỗi để người dân thông cảm.
Mô hình xây dựng thành phố thông minh của thành phố Đà Nẵng cũng là một trong những giải pháp được đánh giá cao. Đà Nẵng đã có nhiều sản phẩm, kết quả trong triển khai thành phố thông minh như: Giám sát và điều khiển giao thông; giám sát an ninh, trật tự; giám sát cấp nước sạch; giám sát nước thải, ao, hồ; kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; một số ứng dụng thông minh trong giáo dục và trong y tế,… Trong giai đoạn tiếp theo, với phương châm “Đa đối tác - Một nền tảng - Một hạ tầng - Một chính sách - Đa ứng dụng”, thành phố Đà Nẵng có thể hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nhưng thực hiện xây dựng thành phố thông minh trên một nền tảng duy nhất, một cơ sở hạ tầng, một chính sách thống nhất, từ đó xây dựng đa dạng các ứng dụng, dịch vụ thông minh./.