Lào Cai - Hà Nội: Tiềm năng hợp tác phát triển nông nghiệp
Chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và thành phố Hà Nội được ký kết vào tháng 5 năm 2017 đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương nhanh chóng tiếp cận và chinh phục thị trường. Đây không chỉ là giải pháp đảm bảo đầu ra sản phẩm cho nông dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi địa phương.Lào Cai đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm đặc hữu của địa phương.
Để sẵn sàng cho cuộc chuyển mình trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể vùng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lào Cai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giai đoạn 2017-2020, tập trung vào hỗ trợ sản xuất hàng hóa, công nghệ cao các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thúc đẩy các chương trình hợp tác, liên kết vùng nhằm tạo xung lực mới cho phát triển nông nghiệp địa phương.
Theo đó, Lào Cai quy hoạch và thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 300 ha tại Sa Pa và Bắc Hà để sản xuất rau trái vụ vùng cao, hoa cao cấp, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới với các sản phẩm đặc trưng như: lê, mận, đào, chè Ô long, gà, lợn, bò và thủy sản nước lạnh.
Đối với các giống lúa đặc sản, chất lượng cao, Lào Cai dự kiến phát triển, mở rộng với diện tích trên 5.000 ha để sản xuất các giống lúa đặc sản đã khẳng định thương hiệu trên thị trường như: Séng Cù, Khẩu Nậm Xít, nếp Thẳm Dương, Hương thơm, Bắc thơm,…
Một vùng ngô hàng hóa được phát triển với diện tích 36.000 ha với các vùng tập trung quy mô lớn đang được triển khai tại Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng và Bảo Yên để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa.
Tập trung diện tích phát triển các loại chuyên canh, rau an toàn với quy mô 700 ha. Nhiều loại rau rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay như: rau cải mèo, ngọn su su, quả su su, khoai sọ chân chó, rau khởi tử, đậu Hà Lan, rau bắp cải xòe, cà chua, cải thảo,… Các loại rau này đang được tiêu thụ mạnh phục vụ du lịch, được người tiêu dùng đón nhận, đặc biệt là thị trường trong tỉnh và Hà Nội.
Không chỉ phát triển các loại rau quả, Lào Cai đang tập trung phát triển diện tích trồng hoa với quy mô 250 ha tại thành phố Lào Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa với các sản phẩm là hoa tươi, hoa cắt cành, hoa chậu. Tiến tới xây dựng Sa Pa trở thành vùng chuyên sản xuất hoa lớn của các tỉnh phía Bắc.
Thế mạnh của Lào Cai còn phải kể đến tiềm năng rất lớn cho phát triển các cây dược liệu quý. Hiện Lào Cai đã quy hoạch diện tích từ 350-400 ha tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát nhằm duy trì, phát triển các nguồn gen quý, sẵn có như Atiso, giảo cổ lam, xuyên khung, tam thất,… và nhập nội giống mới có chất lượng tốt để phát triển các loại cây dược liệu, cung cấp các sản phẩm nâng cao sức khỏe cho người dân.
Để nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm, hiện Lào Cai đã và đang xây dựng vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VIETGAP với quy mô khoảng 6.000 ha, sản lượng trên 20.000 tấn chè búp tươi.
Lào Cai đã hình thành vùng trồng cây ăn quả chuối, dứa với diện tích 2.500 ha tại các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát với sản lượng chuối đạt trên 4.500 tấn và sản lượng dứa đạt trên 22.000 tấn/năm.
Hà Nội là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn với các sản phẩm nông sản đặc hữu của Lào Cai. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc và học tập. Hàng năm, Hà Nội đón hơn 20 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Diện tích sản xuất rau an toàn được quản lý, cấp chứng nhận đạt 5.000 ha. Về chăn nuôi, Hà Nội hiện có hơn 25 triệu con gia cầm, gần 170.000 con trâu, bò. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó có 9 chuỗi rau, thịt với 13 cửa hàng đã được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hệ thống phân phối nông sản của Hà Nội cũng khá phong phú, đa dạng gồm các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích… Nhu cầu về lương thực, thực phẩm của Hà Nội là rất lớn nhưng sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu, phải nhập từ các tỉnh, thành phố.
Lào Cai là địa phương có nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc sản mà thị trường Hà Nội rất cần. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là nơi tập trung các nhà đầu tư tiềm năng cho các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Lào Cai. Do đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết Lào Cai - Hà Nội vừa là yêu cầu, vừa là xu thế tất yếu trong hợp tác phát triển của mỗi địa phương.
Chương trình hợp tác giữa Tỉnh ủy Lào Cai và Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2017- 2020 đã mở ra cơ hội đẩy mạnh hợp tác, phát triển đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, trong đó hợp tác phát triển nông nghiệp là một trong 7 lĩnh vực trọng tâm của hai địa phương./.
8 dự án thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lào Cai Dự án khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa. Diện tích 200 ha tại huyện Sa Pa. Dự án khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bắc Hà. Diện tích 100 ha tại huyện Bắc Hà. Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây rau: Diện tích 700 ha tại các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Thành phố Lào Cai. Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây hoa. Diện tích 200 ha tại các huyện: Sa Pa, Bắc Hà. Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu: Diện tích 350 ha tại các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương. Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây ăn quả ôn đới: Diện tích 250 ha tại các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, TP Lào Cai. Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây chè Ô long: Diện tích 1.000 ha tại các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát. Dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số giống rau, hoa, quả sạch bệnh: Quy mô hệ thống nhà nuôi cấy mô 300 m2, hệ thống nhà công nghệ nilon hiện đại với diện tích 3.000 m2 tại các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, TP Lào Cai./. |