Lào Cai: Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Trong điều kiện thời tiết mưa, nóng ẩm như hiện nay, cùng với kỳ nghỉ lễ 2/9, khách du lịch, học sinh, sinh viên từ vùng dịch về Lào Cai, báo động nguy cơ xâm nhập và bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động tham gia phòng bệnh.Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 107.680 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 25 trường hợp tử vong.
Tính đến ngày 30/8/2017, Lào Cai đã ghi nhận 70 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó 62 trường hợp điều trị tại địa phương. Trong tổng số điều trị tại tỉnh, có 53 ca có tiền sử học tập, lao động, đi về từ vùng dịch sốt xuất huyết (Hà Nội).
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, tỉnh Lào Cai đã ban hành chỉ thị, Kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết dengue nhằm giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh, hạn chế ca mắc, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các tuyến. Huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Tăng cường củng cố hệ thống giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, đặc biệt là giám sát những nơi trọng điểm. Quản lý, giám sát các đối tượng mắc sốt xuất huyết từ vùng dịch về điều trị tại Lào Cai.
Chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch, kịp thời khoanh vùng dịch. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch tại các nơi có ca bệnh hoặc nhiều nguy cơ như cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người, bến xe, chợ,… Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh với mục tiêu “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.
Tập huấn phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại huyện Mường Khương (Ảnh: theo Sở Y tế Lào Cai)
Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố duy trì các tổ giám sát dịch bệnh tại 164 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực xét nghiệm đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh ngay tại tỉnh. Chuẩn bị vật tư kỹ thuật, thuốc men, hóa chất cho cơ sở y tế các cấp phục vụ công tác chống dịch. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết cho đội ngũ cán bộ ngành giáo dục, chính quyền địa phương và các đoàn thể.
Khuyến cáo của ngành y tế Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở thể nhẹ: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Thể bệnh nặng, bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau: Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết Để phòng bệnh sốt xuất huyết cần huy động cộng đồng tham gia loại trừ các ổ bọ gậy bằng cách làm sạch môi trường, thu gom phế thải, chôn lấp vỏ đồ hộp, các loại rác thải chứa nước, loại bỏ lốp xe hỏng, lấp các hốc cây chứa nước, làm sạch máng nước, đậy kín các dụng cụ chứa nước khi sử dụng. Diệt lăng quăng: Dùng hóa chất Temephos (Abate 1%) thả vào nước diệt lăng quăng (bọ gậy). Dùng cá 7 màu thả vào dụng cụ chứa nước để ăn lăng quăng (bọ gậy). Dùng tôm chân đốt nhỏ (Mesocyclops) bỏ vào dụng cụ chứa nước để ăn lăng quăng (bọ gậy). Phòng vệ cá nhân: dùng hương xua muỗi; dùng bình xịt muỗi; vợt diệt muỗi bằng điện; kem bôi xua muỗi; nằm màn tẩm hóa chất; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch./. |