Triển khai mô hình trường học mới linh hoạt, sáng tạo và phù hợp
Bước vào năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng. Chúng tôi đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Anh Ninh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ năm học này.Phóng viên: Xin đồng chí cho biết chủ đề năm học 2017 - 2018 của ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai là gì, bao gồm những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Chủ đề năm học mới của ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai là: “Vì học sinh thân yêu, xây dựng trường học kỷ cương - văn hóa, chất lượng thực chất”. Chủ đề năm học đã cụ thể hóa Đề án số 06, Chương trình hành động 153 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, ngành đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp và quy mô giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cô và trò Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Lào Cai) sẵn sàng bước vào năm học mới. |
Phóng viên: Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần tập trung thực hiện những giải pháp nào?
Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tập trung đổi mới, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; thanh tra, kiểm tra, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo; xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế.
Trong quá trình thực hiện các giải pháp trên, lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo tỉnh chỉ đạo, quán triệt tới lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần nhận diện được những vấn đề đang đặt ra ở đơn vị mình, phát huy kết quả, điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học cho phù hợp. Trong đó, tăng cường kỷ cương, nền nếp và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; thanh tra, kiểm tra, khảo thí và kiểm định chất lượng; tăng cường hội nhập quốc tế về giáo dục, thực hiện tốt “Kết nối hệ thống” để chỉ đạo đồng bộ, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ.
Phóng viên: Hiện, đang có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của mô hình trường học mới, quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo về mô hình này như thế nào trong năm học tới?
Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Bản chất các hoạt động giáo dục của trường học mới là đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện mọi phẩm chất và năng lực của học sinh theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trường học mới không phải là một mô hình mới hoàn toàn, mà các thành tố và hoạt động của trường học mới chính là sự phát triển, kế thừa của các phương pháp giáo dục tích cực đã được triển khai có hệ thống trong giáo dục Lào Cai một cách toàn diện hơn.
Trường học mới đã khắc phục được nhiều nhược điểm của phương pháp giáo dục truyền thống: Từ thầy đọc - trò ghi, học sinh thụ động tiếp thu kiến thức, thiếu tự tin,… nay các em mạnh dạn, tự tin hơn, biết cách tự học, sáng tạo, hợp tác, chia sẻ, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Tuy nhiên, không có mô hình nào cho ra sản phẩm giáo dục toàn năng. Mặt khác, đổi mới giáo dục là việc khó, đòi hỏi sự thay đổi về mặt nhận thức, khắc phục tính bảo thủ. Vì vậy, quan trọng là phải nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ...
Trường học mới ở Lào Cai đã có thành công nhất định. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới và cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết tốt hơn, đặc biệt là năng lực của đội ngũ giáo viên, trong đó có năng lực sáng tạo, tinh thần quyết tâm cao, điều chỉnh kỹ thuật dạy học một cách linh hoạt để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện hơn, thực chất hơn.
Phóng viên: Mô hình trường học gắn với thực tiễn đang tạo nên thương hiệu cho giáo dục Lào Cai. Vậy giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả mô này là gì?
Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Mô hình trường học gắn với thực tiễn đã được một số cơ sở giáo dục triển khai từ những năm trước; từ năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai đồng bộ ở các cấp học, các địa phương trong tỉnh. Trong năm học 2017 - 2018, ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận, ủng hộ cao hơn nữa trong xã hội về việc thực hiện mô hình; tăng cường tính khoa học trong chỉ đạo, qua đó xây dựng môi trường giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học hiệu quả, học đi đôi với hành; gắn kết hoạt động nhà trường với địa phương; phát huy thế mạnh từng địa phương, đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc. Ngành sẽ chỉ đạo một số đơn vị xây dựng mô hình điểm mà ở đó có sự đột phá về chất lượng giáo dục.
Phóng viên: Trước thềm năm học mới, đồng chí có lời nhắn gửi tới các thầy cô giáo và học sinh?
Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt khó của các thầy cô giáo và học sinh, tôi tin tưởng rằng, các thầy cô giáo sẽ không ngừng phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tôi đặt niềm tin vào học sinh, khi được giáo dục, rèn luyện trong trường học có kỷ cương, nền nếp, các em có điều kiện để phát triển toàn diện, có động lực để hiện thực hóa những hoài bão, ước mơ của mình.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!