Chỉ thị về nhiệm vụ năm học 2017-2018 của UBND tỉnh Lào Cai
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 – 2018. Theo đó, toàn ngành giáo dục Lào Cai sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm với chủ đề “Vì học sinh thân yêu” và xây dựng “Trường học kỷ cương, văn hóa; chất lượng giáo dục thực chất”.Năm 2017-2018, ngành giáo dục chú trọng đánh giá chất lượng giáo dục thực chất.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 2016-2020; quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả thiết thực Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết TW 4 khóa XII và Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, nghề nghiệp; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; bố trí sắp xếp lại đội ngũ gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên gắn với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa; nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng thường xuyên; tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác quốc tế trong bồi dưỡng giáo viên.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục. Triển khai có chất lượng chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa; tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp tục định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Nâng cao nhận thức hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo; triển khai có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020; đẩy mạnh liên kết đào tạo, thu hút giảng viên trình độ cao người nước ngoài vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của tỉnh. Tăng cường công tác giáo dục pháp luật; đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, kỷ cương, thân thiện gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành trở thành hoạt động thường xuyên.
Đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về giáo dục. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ đối với cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành. Tăng cường kỷ cương nền nếp trường học. Làm tốt công tác quản lý dạy thêm học thêm. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kiểm tra. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; chủ động ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế trong giáo dục.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, công tác giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao. Tham mưu giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh và lựa chọn hình thức tuyển sinh phù hợp với từng địa phương. Cải tiến, nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS THPT gắn với học nghề và tạo việc làm. Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục. Đánh giá kết quả giáo dục thực chất. Có giải pháp đồng bộ, căn bản, hiệu quả để duy trì sỹ số, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do tảo hôn, cha mẹ bỏ đi khỏi địa phương, đặc biệt các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội tr, bán trú, trường có học sinh bán trú. Đổi mới các hoạt động đặc thù, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với thực tiễn. Tăng cường kỷ cương, nề nếp trong quản lý thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Tăng cường nguồn lực, huy động tối đa, lồng ghép các chương trình, dự án, để phát triển sự nghiệp giáo dục, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Ưu tiên nguồn lực thực hiện các kế hoạch thuộc Đề án số 06 của Tỉnh ủy, đặc biệt là đầu tư để xóa phòng học tạm gắn với Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp; xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục với nội dung toàn diện, hình thức phong phú và hiệu quả./.