Lào Cai: Giảm nghèo đa chiều và những mục tiêu mới
Thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tỉnh Lào Cai đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đạt được những mục tiêu mới, giúp người nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo ra thế và lực mới cho phát triển KT-XH của địa phương.Giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo sẽ tập trung vào chính sách tạo sinh kế và hỗ trợ tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản. (Ảnh: Dương Hùng Vỹ)
Bắt đầu năm 2016, khi Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Lào Cai cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước tiếp cận và triển khai giảm nghèo đa chiều. Theo đó, ngoài tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo còn được đo lường ở mức độ thiếu hụt 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Với việc áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều, số lượng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi theo chiều hướng gia tăng.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, theo chuẩn nghèo “đơn chiều” giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh có trên 18.900 hộ nghèo chiếm 12,11% và trên 13.900 hộ cận nghèo chiếm 8,95%. Theo chuẩn nghèo “đa chiều” giai đoạn 2016-2020, thì Lào Cai còn trên 53.600 hộ nghèo chiếm 34,30% và 15.600 hộ cận nghèo chiếm 9,98%. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh còn khá cao, trong đó 3 huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà chiếm tỷ lệ cao nhất. Với việc kết hợp chuẩn nghèo về thu nhập và chuẩn nghèo theo cách nhìn đa chiều, công tác giảm nghèo sẽ có nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn trước.
Nhiều giải pháp cho mục tiêu mới
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Đề án số 9 “Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020”. Đề án nhằm mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số tại những vùng đặc biệt khó khăn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện cho công tác giảm nghèo của địa phương.
Giai đoạn 2016-2020, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 4-5%; trong đó riêng các huyện nghèo Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai bình quân giảm 5,8%/năm; các huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn bình quân giảm 4,7%/năm. Phấn đấu giảm trên 2.000 hộ cận nghèo/năm.
Về giáo dục, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 06 “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2016-2020”.
Về y tế, Lào Cai đang triển khai thực hiện Đề án số 07 “Phát triển y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giai đoạn 2016-2020”.
Về nhà ở, huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu xóa 3.200 nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến 2020, cơ bản không còn tình trạng nhà tạm, dột nát.
Về nước sạch và vệ sinh môi trường, phấn đấu xây dựng 340 công trình cấp nước sinh hoạt. Đến 2020, hiện thực hóa mục tiêu 95% tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh. Tối thiểu có 50 xã có bãi chôn lấp, xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới.
Lào Cai tăng cường đưa thông tin về cơ sở.
Về tiếp cận thông tin, Lào Cai sẽ tăng cường thông tin truyền thông về cơ sở. Hỗ trợ phát lại trên 7.800 chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc phục vụ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các xã biên giới. Nâng cấp hệ thống bưu chính viễn thông tại 143 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng 18 điểm bưu chính viễn thông tại trung tâm xã. Đầu tư 470 điểm truy cập Internet thôn, bản. Phấn đấu đến 2020 có 143/143 xã đạt chuẩn tiêu chí.
Với những mục tiêu trên, Lào Cai đang tiếp tục đổi mới phương thức và cách làm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội trong hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo. Đối với nhóm nghèo về thu nhập sẽ tập trung chính sách tạo sinh kế; nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà không nghèo về thu nhập thì sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp cận. Với nhận thức mới về nghèo đa chiều, nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước và những giải pháp của Lào Cai trong giai đoạn tới sẽ hướng đến giải quyết căn nguyên của đói nghèo là cải thiện thu nhập và kích lệ ý chí, nghị lực vươn lên của các hộ nghèo, trao cơ hội để người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên thay đổi cuộc sống./.