Những tuyến đường mang tên “no ấm”

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang mang lại sự đổi thay rõ nét cho diện mạo các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; trong đó, việc hoàn thành hàng trăm tuyến đường giao thông nông thôn giúp việc đi lại và lưu thông hàng hóa thuận lợi, từng bước đem đến cuộc sống no ấm cho người dân.

Thời điểm này, dù đi bất cứ địa phương nào trong tỉnh cũng không khó bắt gặp những tuyến đường bê tông xuyên qua các khu dân cư. Đường được mở mới nhiều, đường đổ bê tông đến từng thôn, bản cũng không ít. Những tuyến đường đó đều có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay góp sức, hiến đất của người dân từ vùng thấp đến vùng cao. Giờ đây, bà con có thể lưu thông bằng xe máy, ô tô thuận tiện trên những con đường nông thôn mới. Nông, lâm sản làm ra tới đâu dễ dàng được thương lái đến mua tại ruộng, tại rừng, tại thôn… không phải mang vác ra chợ huyện như trước đây.

Cuộc sống ấm no đang dần hiện hữu trên các thôn, bản vùng cao.     Ảnh: Tuấn Ngọc

Cách đây chưa lâu, tuyến đường từ Quốc lộ 4D đến trung tâm xã Nậm Đét (Bắc Hà) còn là đường đất, người dân muốn đi chợ, ra trung tâm huyện phải mất nhiều giờ đi bộ. Ông Đặng Tiến Vủi, Trưởng thôn Nậm Cài, xã Nậm Đét khi nói về tuyến đường nông thôn mới từ trung tâm xã qua các thôn Tống Hạ, Nậm Cài, Cốc Đào của Nậm Đét và qua xã Nậm Khánh, nối với trung tâm huyện Bắc Hà vừa được hoàn thành năm 2016 không khỏi hào hứng: “Đây là tuyến đường ngắn nhất đi từ xã đến trung tâm huyện, thời gian chỉ mất 30 phút chạy xe máy. Bà con địa phương phấn khởi lắm…”.

Ông Vủi kể chuyện rằng người dân Nậm Đét trồng quế từ những năm 1980, sau 15 năm, quế đến tuổi thu hoạch nhưng không có người mua. Bán quế, bà con phải gùi đi bộ từ 4 giờ sáng để mang ra chợ huyện, có về đến nhà thì trời cũng đã tối. Vất vả là thế nhưng giá quế thời điểm đó chỉ được vài nghìn đồng mỗi kg. Đến năm 2007, tuyến đường đến trung tâm xã Nậm Đét được đầu tư mở rộng, người dân đi lại bớt khó khăn hơn nhưng phải đến năm 2012, nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tuyến đường mới được đổ bê tông phẳng phiu. Để hoàn thành tuyến đường nông thôn dài gần 10 km, địa phương đã mất đến 4 năm, trung bình mỗi hộ dân đóng góp 3 triệu đồng, chưa kể phần hiến đất và hàng nghìn ngày công lao động…

Giờ đây, người dân Nậm Đét có thể thường xuyên đến huyện bán hàng bằng xe máy, cũng không còn lo quế ế ẩm vì thương lái có thể đến tận nơi thu mua; các phụ phẩm từ cây quế như lá, cành, thân cây đều bán dễ dàng ngay tại chân đồi. Giá trị từ quế tăng lên, kinh tế địa phương cũng phát triển. Tuyến đường đã mở ra cơ hội mới, mang về cuộc sống đủ đầy cho người dân địa phương, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, người dân Nậm Đét đã thu gần 30 tỷ đồng từ cây quế. Ông Bàn A San, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét cho biết: Việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn là chủ trương hoàn toàn đúng. Sau khi hoàn thành tuyến đường này, năm 2017, người dân Nậm Đét lại tiếp tục hiến gần 3 ha đất và nhiều ngày công để làm đường nội đồng, đường liên gia.

Tương tự, tuyến đường nông thôn mới được khởi công năm 2016, đi qua thôn Giằng, Liêm, Him Ban của xã Liêm Phú (Văn Bàn) cũng mang ý nghĩa như thế. Trước thời điểm được đầu tư đổ bê tông, việc đi lại của người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong những ngày mưa lũ. Người dân nhiều khi phải đi bộ gần 3 km mới đến được địa điểm có thể bán nông sản. Năm 2016, tuyến đường được đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng đạt chuẩn đường nông thôn cấp IV, đã tạo sự thuận lợi cho người dân nơi đây trong việc đi lại và tiêu thụ nông sản.

Người dân Bắc Hà tích cực làm đường giao thông nông thôn.

Đây chỉ là 2 trong hàng trăm tuyến đường được đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững tỉnh, đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 304 km đường giao thông nông thôn, tăng 110 km so với cùng kỳ năm 2016. Tỉnh Lào Cai hiện có tổng chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn là 3.344 km, trong đó có 866 km đường được đổ bê tông xi măng, 903 km đường rải cấp phối và hơn 700 km đường mở mới. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn, dự kiến đến hết năm 2017, toàn tỉnh có thêm 17 xã hoàn thành tiêu chí giao thông.

Đi trên những tuyến đường bê tông phẳng phiu đến các thôn, bản, chúng tôi dễ dàng cảm nhận cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang dần hiện hữu. Thật chẳng quá khi chúng ta gọi đây là những tuyến đường mang tên “no ấm” trên vùng cao Lào Cai.
 

Theo Đức Phương/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...