Liên kết và sẻ chia

Liên kết phát triển du lịch được các chuyên gia đánh giá là xu hướng mang tính toàn cầu. Ở trong nước, nhiều mô hình liên kết du lịch mang tính địa phương đang phát huy hiệu quả, trong đó có mô hình liên kết du lịch Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ và nay là liên kết mở rộng 8 tỉnh trong vùng Tây Bắc. Là trọng điểm du lịch của vùng, Lào Cai đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng chuỗi liên kết này và tích cực chia sẻ kinh nghiệm, lợi ích với quan điểm cùng phát triển bền vững.

Ấn tượng sắc màu Tây Bắc.                                   Ảnh: Phạm Bằng

Ông Lê Anh Đại, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch quốc tế Bình Minh có trụ sở tại thành phố Lào Cai chia sẻ rằng, chương trình liên kết nằm trong khuôn khổ “Du lịch về cội nguồn” giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ và nay mở rộng ra 8 tỉnh Tây Bắc là mô hình rất thành công trên nhiều phương diện, được doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch hết sức ủng hộ. Sau khi “Chương trình du lịch về nguồn” khởi động vào năm 2008, ở các tỉnh phía Nam cũng đã hình thành một số mô hình hợp tác như Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng với “Chương trình con đường di sản miền Trung”. Ông Đại cũng cho rằng, đến nay chương trình hợp tác không nên bó hẹp ở góc độ “về nguồn” mà cần mở rộng, hình thành phân khu liên kết có tính địa lý như sông Đà hay liên kết sông Hồng, liên kết đa phương gắn với liên kết song phương giữa hai tỉnh, như mô hình liên kết du lịch giữa tỉnh Lào Cai với châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), Lào Cai liên kết với các tỉnh biên giới Tây Bắc và các tỉnh phía Bắc của nước Lào, phía Bắc của Thái Lan.

Việc liên kết du lịch đã mở ra cơ hội cho các địa phương có tiềm năng du lịch nhưng thiếu điều kiện phát triển. Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ thì thị phần, môi trường hoạt động được mở rộng hơn, lợi thế so sánh được tăng cường. Đó cũng là lý do khiến Công ty TNHH một thành viên Du lịch quốc tế Bình Minh trong những năm qua đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động liên kết trong khuôn khổ “Chương trình du lịch về cội nguồn”. Các hành động cụ thể của doanh nghiệp là chủ động quảng bá hình ảnh du lịch của Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc trên các phương tiện truyền thông, trực tiếp tham gia khảo sát, xúc tiến xây dựng các sản phẩm, tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng. Hiện, Công ty TNHH một thành viên Du lịch quốc tế Bình Minh đang giữ vai trò trưởng nhóm hợp tác các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn của 8 tỉnh Tây Bắc với các nội dung thúc đẩy hỗ trợ chia sẻ trong nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh, xây dựng hình ảnh đẹp về miền du lịch vùng Tây Bắc. Ông Đại cho biết thêm, các giải thể thao mà công ty tích cực tài trợ như giải cầu lông, giải đi bộ, đặc biệt là các giải đua xe đạp vượt núi Cúp Ô Quý Hồ tổ chức hằng năm chính là sản phẩm của quá trình hợp tác phát triển du lịch thời gian qua.

Ở một góc nhìn khác, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai trong một dự án nghiên cứu và khảo sát, điều tra xã hội cũng đã đưa ra những kết quả rất đáng chú ý. Qua thăm dò 300 du khách quốc tế đến Sa Pa, Lào Cai, ông Sơn phát hiện có tới 259 du khách quốc tế sau đó trở lại Hà Nội (chiếm tỷ lệ 86,4%), chỉ có 29 du khách tìm đường sang Hà Giang, số còn lại là di chuyển tới các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên; du khách nội địa tiếp tục tham gia chặng du lịch qua các tỉnh đang có sự liên kết còn thấp hơn nhiều. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cũng trích dẫn các tài liệu nghiên cứu của tổ chức quốc tế cho thấy, có tới 65,1% du khách đến du lịch, khám phá các tỉnh Tây Bắc là nhờ thông tin từ nguồn Internet, trong khi qua các công ty du lịch chỉ chiếm 18,7%. Điều này chứng tỏ vấn đề hợp tác, liên kết vùng theo chuỗi lợi ích còn nhiều việc phải làm, trong đó chủ yếu liên quan đến chính sách, nội dung hợp tác phát triển giữa các địa phương. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho rằng, nội dung liên kết cần phải phong phú hơn, nhất là vấn đề xây dựng quy hoạch, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch... Ví dụ: Các hãng du lịch lữ hành cần có sự cởi mở hơn, nêu cao tinh thần sẻ chia, tích cực tham gia xây dựng, quảng bá các tour, tuyến du lịch mới, đóng góp cho các chương trình quảng bá dài hạn về tài nguyên du lịch vùng. Các tỉnh cần làm phong phú hơn các kênh thông tin như mở các cuộc thi ảnh đẹp, thi ảnh du lịch, thi viết bài về du lịch vùng, mở rộng liên kết đào tạo nhân lực du lịch, các hội thảo về chất lượng nguồn nhân lực...

Niềm vui chinh phục đỉnh Fansipan.

Nguồn tài nguyên du lịch của các tỉnh Tây Bắc vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Thế mạnh của vùng là có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với các địa chỉ đã được khẳng định như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý - Bát Xát (Lào Cai), Mù Cang Chải, hồ Thác Bà (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình)… Các địa chỉ này còn có địa hình lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch gắn với tâm linh, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá (đi bộ, leo núi, mô tô, xe đạp địa hình). Với các điều kiện đó, việc tăng cường liên kết giữa các tỉnh Tây Bắc trong khai thác tiềm năng du lịch sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho các địa phương và cả vùng. Đẩy mạnh liên kết còn tạo điều kiện sẻ chia lợi thế, mang lại sự đa dạng về sản phẩm du lịch nhằm tạo sức lôi cuốn đối với du khách và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Lời khuyên của các nhà khoa học đối với các tỉnh chưa phát triển mạnh về du lịch là cần có định hướng rõ ràng về thế mạnh của địa phương chứ không nên đầu tư dàn trải. Cùng với đó là tăng cường tham gia liên kết để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác khai thác thế mạnh, đa dạng hóa sản phẩm và cùng nhau quảng bá hình ảnh.

Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thu hút du khách đến tham quan, khám phá những vùng đất đẹp, lãng mạn và có nhiều bí ẩn, sự độc đáo. Trong đó, tỉnh Lào Cai với vị trí là trung tâm du lịch của vùng đang có những hành động thiết thực nhất nhằm thúc đẩy liên kết du lịch cấp vùng theo hướng sẻ chia vô tư và cởi mở.

Theo Cao Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi

Sáng 4/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của đất nước.

Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.