Bước tiến mới của ngành nông nghiệp

Sau nhiều năm phấn đấu thực hiện giải quyết vấn đề an ninh lương thực, đến nay, ngành nông nghiệp Lào Cai đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, ngành nông nghiệp bước vào chặng đường mới với nhiều gian khó. Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều xác định, phát triển nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nền tảng quan trọng để ổn định dân cư và là cơ sở để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về sản xuất nông nghiệp đã được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp, người dân tích cực triển khai thực hiện và đạt những thành tựu khá toàn diện. Ngành nông nghiệp Lào Cai duy trì tăng trưởng sản xuất với tốc độ nhanh trong thời gian dài. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 9% - 10%/năm, đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2015, trước diễn biến bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới, tăng trưởng của ngành nông nghiệp Lào Cai vẫn duy trì tốc độ trên 6%/năm. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển biến tích cực, so với năm 1991 - 1992, tỷ trọng chăn nuôi - dịch vụ tăng từ 19,2% lên 40,9%; tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 80,8% xuống còn 59,1% (năm 2015). Năm 2016, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh đạt 293.800 tấn, tăng 202.667 tấn so với năm 1991, lương thực bình quân đầu người từ 200 kg (năm 1991) tăng lên hơn 460 kg (năm 2016), góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Người dân vùng cao thu hái chè.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được triển khai đồng bộ, từ nhân giống đến sản xuất và tiêu thụ thông qua những “cái bắt tay” của nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Các vùng sản xuất hàng hóa, như: Lúa, ngô, chè, chuối mô, dứa, rau an toàn, hoa, cây ăn quả ôn đới… được phát triển mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 756 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 282 ha cây ăn quả nhiệt đới, 175 ha rau, 86 ha sản xuất lúa giống, 73 ha dược liệu, 31 ha chè, 24 ha cây ăn quả. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh còn triển khai gần 7.500 ha ứng dụng một phần công nghệ cao, gồm 4.182 ha cánh đồng một giống ứng dụng canh tác cải tiến SRI, 1.135 ha chuối chuyên canh sử dụng nuôi cấy mô tế bào, 880 ha dứa chuyên canh, 641 ha cây ăn quả ôn đới và 650 ha chè, tập trung tại các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát, Bảo Yên.

Nhờ áp dụng giống mới và tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nên chất lượng nông sản được nâng cao, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng nhanh, từ 6 triệu đồng/ha (năm 1991) lên 56 triệu đồng/ha (năm 2016). Đặc biệt, giá trị canh tác có ứng dụng công nghệ cao đạt 209 triệu đồng/ha, tăng từ 2 - 3 lần so với phương thức truyền thống.

Trong những năm qua, nhờ làm chủ khoa học - kỹ thuật, ngành nông nghiệp đã từng bước chọn tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Đáng chú ý, ngành đã nghiên cứu, lai tạo sản xuất được bộ giống lúa lai LC25, LC212, LC270 mang thương hiệu Lào Cai, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là bộ lúa giống quốc gia; sản xuất thành công giống khoai tây, hoa đồng tiền, dâu tây từ công nghệ nuôi cấy mô tế bào; nhiều giống cây ăn quả (lê Tai nung, đào Pháp, mận Tam hoa, mận địa phương), giống thủy sản chất lượng cao (cá bỗng, cá chép) được sản xuất, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Lĩnh vực lâm nghiệp có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được đặc biệt quan tâm theo hướng tăng chất lượng, đảm bảo chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 18,2% (năm 1991) lên 53,7% (năm 2016).

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển với tốc độ nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo nhu cầu thực phẩm tiêu dùng cho nhân dân trên địa bàn và cung cấp cho các tỉnh lân cận. Hoạt động chăn nuôi không chỉ được mở rộng quy mô sản xuất, mà còn đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Để đạt được các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, ngành nông nghiệp Lào Cai đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 6%/năm; giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác bình quân đạt 80 triệu đồng/ha, trong đó giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bình quân đạt 260 triệu đồng/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 330.000 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%... Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh áp dụng, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng thâm canh, tăng vụ tới những vùng khó khăn để nâng cao năng suất cây trồng và đảm bảo an ninh lương thực; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả; xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm để phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của tỉnh; thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển kinh tế nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển vùng, liên vùng; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thương mại nông, lâm, thủy sản, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp tiên tiến, đảm bảo sản xuất hiệu quả, bền vững...

Nguyễn Anh Tuấn

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...