Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị ở Lào Cai
Theo các tài liệu lịch sử, sau khi thành lập tỉnh dân sự Lào Cai, thực dân Pháp vẫn cử Đại tá Mác Sa Ge nắm quyền Công sứ, mãi đến đầu năm 1908, mới giao quyền Công sứ (người đứng đầu các cơ quan dân sự tỉnh) cho một quan chức dân sự. Đó là viên Công sứ Pierre Emmerich, người Pháp. Bên cạnh Công sứ có một viên Phó sứ giúp việc, chủ yếu là đảm nhận công việc thuộc phạm vi tư pháp; một viên tham tá dân sự, thường là viên chức thuộc đội vệ binh người bản xứ để giải quyết công việc kế toán và thực hiện các chức năng lục sự - công chức viên. Ở hai châu Thủy Vĩ và Bảo Thắng nằm liền kề với hai bờ sông Hồng, đứng đầu mỗi châu có một Tri châu. Nhiệm vụ của Tri châu là thực hiện các chức năng thẩm phán người bản xứ; có quân đội Pháp trợ giúp. Các châu nhỏ (đại lý) Păc Kha (Bắc Hà), Si Ma Cai, Pha Long, Mường Khang (Mường Khương), Bản Lầu, Mường Hum giao cho người bản địa được Pháp đào tạo nắm quyền, có lính dõng người miền xuôi giám sát; ở bản có Seo phải, Binh thầu trông giữ. Dọc biên giới có cảnh sát đồn trú, thường đồn trưởng là người Pháp, còn lại là lính dõng và lính bản địa.Tháng 5/1945, Ban cán sự khu D cử đồng chí Mai Văn Ty, đảng viên làm công nhân ở đề - pô xe lửa Yên Bái lên Lào Cai gây dựng cơ sở, xây dựng tổ Việt Minh. Trung tuần tháng 10/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ và Kỳ Bộ Việt Minh Bắc Kỳ cử 3 cán bộ gồm: Đồng chí Ngô Minh Loan, đặc phái viên của Trung ương; đồng chí Lê Thanh, phái viên của Kỳ Bộ Việt Minh Bắc Kỳ; đồng chí Lê Đức Bình, đảng viên, cán bộ Việt Minh cùng một số cán bộ vừa học xong lớp tập huấn khóa đầu tiên lên Lào Cai, tranh thủ lúc quân Tưởng chưa lập chính quyền tay sai, xúc tiến nhanh việc tổ chức chính quyền và các đoàn thể quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng. Đồng chí Ngô Minh Loan phụ trách chung và trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập chính quyền ở tỉnh và thị xã Lào Cai. Đồng chí Lê Thanh hoạt động ở Sa Pa. Đồng chí Lê Đức Bình hoạt động ở Bảo Thắng. Giúp việc cho các đồng chí là một số cán bộ vừa học xong lớp tập huấn đầu tiên.
Đảng bộ tỉnh Lào Cai ra đời là mốc son quan trọng đối với công tác xây dựng hệ thống chính trị ở Lào Cai. |
Sau một thời gian vận động, đồng chí Ngô Minh Loan đã tiếp cận được Tỉnh trưởng Đàm Quang Vinh, tổ chức họp với các công chức cũ trong tỉnh, vận động thành lập chính quyền liên hiệp lâm thời của tỉnh, do ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ sự lục bộ giữ chức Chủ tịch. Các phó chủ tịch và ủy viên ủy ban đều là công chức ở các công sở cũ; đồng thời thành lập chính quyền lâm thời thị xã Lào Cai, do ông Hoàng Đình Ninh làm Chủ tịch, ông Bá Mọc làm Phó Chủ tịch.
Tại Phố Lu (huyện lỵ Bảo Thắng), đồng chí Lê Đức Bình tích cực tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh trong nhân dân và thành lập chính quyền lâm thời, do ông Phó Lý Vĩ làm Chủ tịch. Tại thị trấn Sa Pa, đoàn của đồng chí Lê Thanh dựa vào nhóm yêu nước tổ chức họp dân thị trấn và bầu được chính quyền lâm thời, do ông giáo Tính làm Chủ tịch. Đoàn cũng tổ chức được nhiều cuộc họp riêng với từng giới, thành lập được các đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi cứu quốc. Như vậy, từ cuối năm 1945, đã chính thức thành lập được chính quyền, một số tổ chức đoàn thể ở cấp tỉnh và huyện ở Lào Cai.
Để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với phong trào cách mạng tại Lào Cai, đầu tháng 9/1946, Xứ ủy quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lào Cai, gồm 3 đồng chí, do đồng chí Ngô Minh Loan làm Trưởng ban và 2 đồng chí Lê Thanh, Đào Đình Bảng làm Ủy viên. Ban Cán sự Đảng tích cực hoạt động xây dựng phong trào cách mạng, kết nạp những cán bộ ưu tú vào Đảng, đến tháng 1/1947, ở Lào Cai đã có 50 cán bộ, 25 đảng viên, 2 chi bộ, trong đó có 13 đảng viên chính thức, 12 đảng viên dự bị. Khu ủy quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời thay thế Ban cán sự Đảng tỉnh gồm 3 đồng chí, do đồng chí Lê Thanh làm Bí thư, đồng chí Đặng Châu Tuệ, Lý Bạch Luân là Tỉnh ủy viên. Ngày 5/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai họp tại Sở Cẩm (Sở Cảnh sát) địa điểm gần cầu Cốc Lếu, tiểu khu Lào Cai, thị xã Lào Cai, do ta giải phóng tiếp quản làm trụ sở của Tỉnh bộ Việt Minh. Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm 7 đồng chí: Lê Thanh, Đặng Châu Tuệ, Lý Bạch Luân, Tuấn Sinh, Xuân (Kính), Nguyễn Chúc, Cao Tử Kiến (tức Thành), đồng chí Lê Thanh làm Bí thư.
Đảng bộ tỉnh Lào Cai ra đời là mốc son quan trọng đối với quá trình cách mạng, cũng như xây dựng hệ thống chính trị ở Lào Cai. Từ năm 1947 – 1950, Đảng bộ tỉnh vừa lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh với quân Tưởng, Quốc dân Đảng, thực dân Pháp để xây dựng phong trào cách mạng, vừa hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện, xã, thôn. Ngày 1/11/1951, Ủy ban Liên Việt tỉnh Lào Cai (MTTQ) chính thức được thành lập gồm 17 người, có đủ thành phần Mông, Dao, Nùng, Giáy, Tày... Cuối năm 1951, tháng 1/1952, toàn tỉnh tiến hành kê khai danh sách cử tri để bầu Hội đồng nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thiện các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Như vậy, đến đầu năm 1952, hệ thống chính trị ở Lào Cai đã hoàn thiện (Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể). Từ đó đến nay, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, hoàn thiện, phát triển, đẩy mạnh hoạt động tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tạo ra sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị qua các giai đoạn cách mạng, đưa Lào Cai tiến lên cùng đất nước.