Lào Cai: Triển vọng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Lào Cai có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Sự đa dạng về khí hậu là một trong những lợi thế so với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xác định đây là động lực để tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.Ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa lan của HTX nông nghiệp Thanh Xuân, huyện Sa Pa
Diện tích sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chủ yếu tại hai huyện Sa Pa và Bắc Hà với khoảng 76 ha. Các loại hoa được canh tác chủ yếu là Lily, hoa hồng, hoa Lan,…Doanh thu bình quân đạt 450 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có hoa Lyli đạt 3-3.5 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận thu được lên đến 800 triệu đồng/ha/năm. Với hiệu quả kinh tế cao từ trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, nhiều hộ gia đình, Hợp tác xã đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng cây lâu năm sang sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao. Đó là cơ sở tạo ra vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa chất lượng của tỉnh.
Lào Cai có thế mạnh để phát triển cây ăn quả ôn đới. Toàn tỉnh có trên 2.000 ha cây ăn quả ôn đới, chủ yếu là Mận Tam hoa, Lê VH6, đào Pháp,…Trong đó, khoảng 60 ha cây ăn quả ôn đới có ứng dụng công nghệ cao. Vùng dược liệu cũng được đẩy mạnh sản xuất. Nông dân được các doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật, vốn đầu tư cây giống, phân bón nên đã thu hút được số lượng lớn nông dân chuyển đổi sang sản xuất cây dược liệu. Đến nay, có khoảng 118 ha cây dược liệu trồng tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương. Các loại cây trồng chính là Actiso, xuyên khung, tam thất, đương quy, thạch hộc, cắt cánh,…và được các công ty liên kết đặt hàng thu mua theo hợp đồng. Giá trị thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân thu được trên 80 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước tiến vượt bậc. Công tác quản lý giống vật nuôi, cải tạo giống trâu, bò; chọn lọc, nâng cao chất lượng giống gia cầm, lợn bản địa có giá trị được chú trọng. Việc áp dụng hệ thống chuồng lạnh khép kín, sử dụng công nghệ làm mát, máng ăn tự động, nhất là trong phòng dịch, tiêm phòng bệnh. Thu gom xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học (EM) trong chăn nuôi.
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn có chất lượng, Lào Cai đã ban hành Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” và một số chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2020. Nhờ những chính sách này mà việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được kết quả đánh khích lệ. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá; năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản không ngừng được nâng lên; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Phương thức sản xuất thâm canh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực từ sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống sang sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và các quy trình, công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đã có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.Đến nay, đã có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đăng ký lên đến 1.866 tỷ đồng. Trong đó, có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh về trồng trọt, 2 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và 01 doanh nghiệp kinh doanh hỗn hợp. Ngoài ra, các hộ gia đình, hiệp hội sản xuất rau, hoa tại Sa Pa hiện cũng đang sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để tạo bước đột phá cũng như phát triển nông nghiệp bền vững, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thông tin, tuyên truyền về ứng dụng, các mô hình, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả để người dân tham khảo, học tập và vận dụng. Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo điều kiện về đất đai, thuê mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn tín dụng hoặc cơ sở vật chất để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khí hậu, đất đai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần cho người lao động nông nghiệp; gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, nông nghiệp, nông thôn Lào Cai phát triển thuộc tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc./.