Phát huy hiệu quả công tác dân vận
Xây dựng nông thôn mới phải lấy dân là động lực chính, còn sự hỗ trợ từ bên ngoài chỉ là tăng sức, tạo đà để người dân phát huy nội lực, bứt lên. Do đó, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để toàn dân ủng hộ xây dựng nông thôn mới” - đồng chí Lý Seo Dìn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với chúng tôi về công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh những năm qua.Trưởng thôn Thủy Điện, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng hướng dẫn bà con cách trồng dứa. |
Theo đó, thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chú trọng. Đặc biệt, trong 5 năm thực hiện Đề án tuyên vận, việc huy động sức người, sức của trong nhân dân để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án đầu tư, mà thực chất là một bản quy hoạch lớn. Để thực hiện, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn người dân phải tự vươn lên để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá. Nói cách khác, xây dựng nông thôn mới là làm mới từ trong suy nghĩ, cách làm của mỗi gia đình, từ đó góp sức phát triển cộng đồng và toàn bộ khu vực nông thôn, vùng cao.
Chúng tôi có mặt tại thôn Sín Chải A, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, cùng tham dự buổi họp thôn do Trưởng thôn Lý Thị Hạnh chủ trì. Nội dung Trưởng thôn triển khai đến bà con ngoài các văn bản của cấp trên, đánh giá khái quát tình hình chung của thôn, còn có nội dung vận động các hộ làm đường bê tông từ trung tâm xã đến thôn và tỏa đi các thôn khác dài 2 km, mở chiều rộng từ 1 m như hiện tại lên hơn 3 m. Theo tính toán, để thực hiện công trình này, bà con tham gia đóng góp trên 1.000 ngày công và hiến gần 2.000 m2 đất. Ban đầu, khi ý kiến đưa ra, ai cũng ngần ngại, bởi con đường nhỏ hẹp, nhiều đá hộc, thêm vào đó, số lượng đất cần có để mở rộng đường không phải là nhỏ. Vậy nhưng, với sự kiên trì vận động, giải thích tại cuộc họp thôn và đến từng nhà làm công tác tuyên vận, chị Hạnh cùng các tổ chức đoàn thể của thôn đã thành công. Giờ đây, 2 km đường giao thông đã được mở rộng và bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, kinh tế ngày càng phát triển.
Trong nhiều năm qua, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) tích cực vận động nhân dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang đào ao nuôi thuỷ sản, duy trì và bảo vệ tốt trên 1.100 ha rừng sản xuất… Ông Ma Thanh Sợi, nguyên Chủ tịch UBND xã, người có uy tín ở Nghĩa Đô khẳng định: Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Đô có sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận. Cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của xã luôn chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động để người dân thấy được ý nghĩa của chương trình, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong chung tay thực hiện các phần việc để thôn, bản ngày càng phát triển.
Không chỉ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, mà các tổ chức đoàn thể cũng có nhiều hoạt động trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Là lực lượng tiên phong, thời gian qua, đoàn thanh niên các cấp từ tỉnh tới cơ sở của Lào Cai đã có nhiều việc làm sáng tạo, thiết thực, vận động đoàn viên, thanh niên xung kích phát triển kinh tế - xã hội, tình nguyện vì cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường... Đặc biệt, thực hiện phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, các cơ sở đoàn đã tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tư vấn hướng nghiệp cho hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho trên 1.500 đoàn viên. Tính đến tháng 11/2016 có 151/164 xã, phường, thị trấn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội do đoàn thanh niên quản lý với tổng dư nợ trên 538 tỷ đồng. Đây là những hoạt động tích cực, giúp thanh niên phát triển kinh tế gia đình, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm, nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang được xóa bỏ, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo hướng bền vững. Đồng chí Lý Seo Dìn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Diện mạo nông thôn mới của Lào Cai đang có sự chuyển biến mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Người dân đã thực sự phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tận dụng tốt các cơ hội để phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới như các xã : Quang Kim (Bát Xát), Phú Nhuận, Xuân Quang (Bảo Thắng), Bản Lầu, Bản Xen (Mường Khương), Nậm Cang (Sa Pa), Nghĩa Đô (Bảo Yên)...
Hình ảnh những làng quê thanh bình đang đổi mới, những con đường liên thôn, liên gia được đổ bê tông, phong quang, sạch, đẹp… đó là minh chứng rõ nét nhất về sức sống mới của nông thôn vùng cao Lào Cai và những đóng góp của công tác dân vận trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn.