Lào Cai: đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Để các sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, tạo động lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai đang xây dựng đề án “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025”.Nhìn chung, các HTX bước đầu đã thể hiện được vai trò tập hợp, vận động bà con nông dân tiếp cận các tiến bộ hoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từng bước thực hiện việc liên doanh, liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản cho các thành viên và nông dân.
Các hình thức liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp và tiêu thụ nông sản hàng hóa ở Lào Cai bước đầu được hình thành và phát triển với nhiều hình thức đa dạng. Thứ nhất, liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân. Đây là hình thức liên kết phổ biến hiện nay ở trên địa bàn tỉnh. Ưu điểm của hình thức này là người nông dân sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp thì có doanh nghiệp hợp tác bao tiêu nên góp phần giải quyết khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hình thức liên kết này tính ràng buộc pháp lý không cao, dẫn đến tình trạng tranh chấp trong việc mua bán và giám sát chất lượng sản phẩm nên thiếu bền vững, kém hiệu quả.
Thứ hai, liên kết theo chuỗi giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp. Đây là hình thức liên kết có nhiều ưu điểm và là xu thế tất yếu hiện nay. Hình thức này có sự ràng buộc chặt chẽ giữa người sản xuất với HTX và doanh nghiệp tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết, có sự đầu tư của các doanh vào sản xuất; đảm bảo về số lượng, chất lượng sản phẩm tiêu thụ. Do đó, hình thức liên kết theo chuỗi cần được phát triển mạnh.
Tuy nhiên, qua kết quả theo dõi, đánh giá cho thấy số lượng HTX hoạt động hiệu quả còn chưa nhiều. Các HTX hoạt động yếu, kém do một số nguyên nhân như do trình độ, năng lực cán bộ quản lý HTX còn hạn chế; thiếu vốn sản xuất; hạ tầng kỹ thuật để phục vụ sản xuất kinh doanh còn yếu kém... Đặc biệt các HTX hoạt động không có sự hợp tác liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Trong số HTX đang hoạt động có 15 HTX hoạt động có hiệu quả, chiếm 17,7%, 44 HTX hoạt động trung bình, chiếm 51,8%, hoạt động yếu 26 HTX, chiếm 30,5%.
Vấn đề tích tụ đất đai ở Lào Cai hiện nay rất khó khăn. Do quy định mức hạn điền của pháp luật quy định, quỹ đất hạn hẹp. Điều kiện địa hình của Lào Cai cũng rất khó khăn cho việc dồn điền đổi thửa. Mặt khác, một số địa phương có lợi thế về điều kiện, khí hậu sản xuất những cây, con lợi thế cạnh tranh nhưng do giá cho thuê đất quá cao nên các HTX, doanh nghiệp khó tiếp cận.
Để giải quyết những khó khăn kể trên, đề án “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025” đã đưa những giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Phát động phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác và đội ngũ quản lý HTX, tổ hợp tác. Củng cố kiện toàn các hình thức tổ chức sản xuất. Tăng cường phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và chế biến sản phẩm giữa các HTX với doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành và ban hành những chính sách mới hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp như chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút tri thức trẻ làm việc tại các HTX, chính sách hỗ trợ đất đai, tiếp cận vốn vay, chính sách thuế, hỗ trợ hạ tầng… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, đồng bộ về công nghệ và quy trình tổ chức sản xuất. Tăng cường công tác quản lý các quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và dịch bệnh. Huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mục tiêu đề án là phải giải quyết dứt điểm các HTX ngừng hoạt động; củng cố kiện toàn các HTX hoạt động chưa hiệu quả và thành lập các HTX mới tại các vùng sản xuất hàng hoá chủ lực theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 145 HTX nông nghiệp, trong đó có 65% HTX hoạt động có hiệu quả. Đến năm 2025 có trên 220 HTX nông nghiệp, trong đó trên 80% số HTX hoạt động có hiệu quả./.