Sa Pa hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Trong sản xuất dược liệu, hiện diện tích có khoảng 100 ha, trong đó chủ yếu là cây atisô (87 ha), còn lại là cây xuyên khung, đương quy, bạch truật, tam thất, mộc vân hương, đỗ trọng… tính riêng cây atisô với trên 200 hộ dân trồng tại thị trấn Sa Pa và các xã phụ cận, mỗi năm đem lại giá trị trên 6 tỷ đồng, sản phẩm atisô của Công ty Traphaco Sa Pa đã tạo được thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với điều kiện khí hậu thích hợp để ươm trồng và phát triển các loài hoa, Sa Pa đã hình thành vùng trồng hoa với diện tích khoảng 100 ha, chủ yếu trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao như hoa hồng, hoa cúc, hoa Ly, Rum, Tuy- Líp, Salem, đồng tiền, địa lan… doanh thu từ trồng hoa bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm; nhiều hộ dân đã thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển nhiều diện tích sang trồng địa lan, bên cạnh các hộ dân ở thị trấn Sa Pa, có nhiều hộ dân đồng bào dân tộc ở các xã Sa Pả, Tả Phìn đã chuyển sang trồng địa lan để cung cấp cho thị trường.
Trong nuôi trồng thủy sản, diện tích mặt nước, ao nuôi của Sa Pa là 19 ha, trong đó diện tích nuôi cá nước lạnh 4,3 ha với 42 cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi, sản lượng bình quân hằng năm đạt 255 tấn, với giá bán bình quân trên 300.000 đồng/1kg, ngày càng có nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh với quy mô lớn và hiện đại, tuy nhiên do số lượng khách du lịch ngày càng tăng cao, nhu cầu cá tầm, cá hồi hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của trị trường.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đem lại thu nhập đáng kể cho người dân và làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính, những mô hình sản xuất này đã trở thành địa chỉ để giao lưu, học hỏi, mở rộng sản xuất. Hiện nay diện tích nhà công nghệ trên địa bàn huyện Sa Pa là 45.350 m2, gồm 34.350 m2 trồng rau, hoa (hoa địa lan, hoa chậu, hoa thảm), trong đó hoa địa lan trồng trong nhà công nghệ 3.000 chậu; cà chua 15.000 m2 (sản lượng 150 tấn, doanh thu 2 tỷ đồng); diện tích trồng cây dược liệu articso, tam thất 11.000 m2.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của Sa Pa, trong thời gian qua tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ huyện Sa Pa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn huyện Sa Pa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 600 ha, trong đó 500 ha do doanh nghiệp lớn đầu tư; 100 ha do các doanh nghiệp, các hợp tác xã và hộ dân tham gia đầu tư; đẩy mạnh phát triển sản xuất những sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của huyện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân...