Bế mạc Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Cam kết “không bỏ ai lại phía sau”

Sau 3 ngày diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13/5, Hội nghị chuyên đề Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề “Ứng phó với biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” đã họp phiên bế mạc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng và các đại biểu tại phiên bế mạc (Ảnh TTXVN)


Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đã tóm tắt các nội dung chính tại hội nghị chuyên đề lần này. Trong đó, hội nghị tiếp tục khẳng định, biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển bền vững, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tác động nghiêm trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân. Hội nghị đã thảo luận những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Quốc hội nhằm ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu và thực thi những cam kết quốc gia trong lĩnh vực này, đảm bảo việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần “không bỏ ai lại phía sau”.

Hội nghị đã nghe trình bày tổng quan về các Mục tiêu phát triển bền vững, về khuôn khổ chính sách quan trọng và toàn diện để các quốc gia triển khai thực hiện; đặc biệt là về vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy hành động, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, với Bộ tiêu chí tự đánh giá do IPU và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng đã được chính thức công bố tại hội nghị lần này, lần đầu tiên, Quốc hội các nước có những tiêu chí toàn diện, cụ thể, hiệu quả để có thể tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội các nước cần tăng cường phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm nâng cao năng lực của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị đã dành thời gian thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về y tế và bình đẳng giới trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, bản trình bày của các chuyên gia cho thấy biến đổi khi hậu ảnh hưởng tới việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam; nguy cơ gia tăng các dịch bệnh theo mùa và dịch bệnh mới nổi, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, chất lượng nước cho mọi người dân. Phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vì phụ nữ còn phải gánh vác quá nhiều công việc, quyền ra quyết định còn hạn chế vì vẫn tồn tại sự bất bình đẳng trong tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. 

Bên cạnh những thách thức, hội nghị cũng đã chỉ ra những cơ hội cho phát triển bền vững, tạo điều kiện để các nước chuyển đổi mô hình phát triển, thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm thực địa và trồng cây tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), nơi các đại biểu đã chứng kiến những dự án trồng rừng ngập mặn góp phần không nhỏ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, đem lại nguồn sinh kế bổ trợ cho người dân vùng ven biển và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng nhấn mạnh, Quốc hội cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ hơn để ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trên quy mô khu vực và toàn cầu. Quốc hội cần thúc đẩy hỗ trợ hơn nữa người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em và những khu vực bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, việc huy động các nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề quan trọng. Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đảm bảo phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, kết quả hội nghị cùng với các vấn đề được thảo luận, ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ tại hội nghị sẽ được thông tin tới Đại hội đồng IPU và những Nghị viện thành viên khác của IPU thời gian tới.

Cảm ơn chủ nhà Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị lần này, ông Martin Chungong, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới tin tưởng, thành viên của các Nghị viện trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương đủ điều kiện để thực hiện các nội dung phát triển bền vững nêu ra tại hội nghị này và các thành viên Nghị viện đã thống nhất quan điểm “không bỏ ai lại phía sau”.

Theo ông Martin Chungong, trong sự phát triển của chúng ta với tư cách là các Nghị viện, cần tôn trọng sự đa dạng, khác biệt về mặt quan điểm, lợi ích và các vấn đề liên quan, nhưng chúng ta sẽ đoàn kết, hợp tác với nhau vì các Mục tiêu phát triển bền vững. Bởi vì, biến đổi khí hậu liên quan đến tất cả, bất kể Chính phủ, nhóm thành phần, nhánh lập pháp nào; do đó, quan trọng là các bên liên quan gắn kết Chính phủ của mình với những vấn đề cụ thể, thiết lập quan hệ hợp tác, tạo ra cộng đồng hợp tác phát triển. 

Đánh giá các Nghị viện, nghị sĩ có vai trò tối thượng trong việc đưa các nội dung nghị sự lần này vào hành động cụ thể, ông Martin Chungong mong muốn, trong phạm vi quyền hạn của mình, các Nghị viện, nghị sĩ hãy làm để mọi thứ trở thành hiện thực. Hãy hỗ trợ để cho thấy các Chính phủ có thể hành động, đáp ứng các mục tiêu quốc gia cũng như mục tiêu của cộng đồng trên thế giới; đồng thời huy động đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Các nghị sĩ cần mở rộng hơn nữa các cam kết cho các Mục tiêu phát triển bền vững./.

Theo TTXVN

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...