Độc đáo đồ lưu niệm “handmade” tại Sa Pa

Những món quà lưu niệm là một phần không thể thiếu trong các chuyến du lịch. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, du khách đến Sa Pa có thể thỏa sức lựa chọn cho mình những món quà ý nghĩa, độc đáo mang đậm sắc màu địa phương từ những sản phẩm lưu niệm được làm bằng tay (handmade).
Du khách chọn mua đồ lưu niệm bằng thổ cẩm.

Mấy năm gần đây, đồ lưu niệm handmade đang thực sự lên ngôi khi chiếm lĩnh thị trường quà tặng trên khắp các gian hàng tại Sa Pa. Bên cạnh những quà tặng truyền thống như đồ sứ, nhựa, hoa văn in hình được sản xuất công nghiệp thì những sản phẩm handmade như: áo, váy, móc chìa khóa, thú bông họa tiết thổ cẩm; trống làm bằng da bò; đồ lưu niệm bằng đá, gỗ mang đậm “thương hiệu Sa Pa” do chính người dân ở Sa Pa làm được du khách ưa chuộng và lựa chọn.

Đeo một chiếc trống nhỏ ngang hông, anh  Đào Xuân Tú, một sinh viên đến từ Hà Nội chọn thêm cho mình hơn 10 chiếc ví cầm tay họa tiết thổ cẩm và được người bán hàng chỉ cho những sản phẩm thêu tay, phân biệt với hàng dệt máy. “Mình đang học ngành văn hóa nên rất thích những đồ lưu niệm độc đáo thế này. Chiếc trống này về đặt trang trí trong phòng khách sẽ rất đẹp, đó là kỷ niệm chuyến thăm bản làng của người Dao đỏ. Còn những chiếc ví họa tiết thổ cẩm này là hình ảnh đặc trưng nhất của Tây Bắc. Mỗi chiếc ví chỉ có giá 25.000 đồng. Chắc chắn những bạn nữ cùng lớp của mình sẽ rất thích nên mình mua tặng và cũng là để giới thiệu cho các bạn ấy về Sa Pa” – anh Tú chia sẻ.

Vừa bán hàng vừa hoàn thiện những sản phẩm đang thêu dở.

Những ngày tổ chức Lễ hội Du lịch mùa hè năm 2017, khu chợ ẩm thực ở thị trấn Sa Pa trở thành nơi trưng bày các sản phẩm độc đáo của địa phương. Nhiều người dân ở khắp các thôn, bản của Sa Pa có thể mang hàng hóa ra bày bán, nhiều nhất là đồ lưu niệm thổ cẩm.

Trước đây, mỗi dịp cuối tuần, chị Chảo Mùi Sểnh, thôn Lếch Dao, xã Thanh Kim  thường mang đồ lưu niệm ra bán ở thị trấn Sa Pa. Tại gian hàng của chị Sểnh, đồ lưu niệm đa dạng từ mẫu mã đến giá thành. Có những chiếc móc treo chìa khóa, vòng đeo tay chỉ 5.000 đồng cho đến những bộ trang phục của người Dao, người Mông trị giá đến 1 triệu đồng. Theo chị Sểnh, đồ lưu niệm họa tiết thổ cẩm có cả hàng dệt công nghiệp và đồ thêu tay. Đồ thêu tay có màu sắc ít sặc sỡ và đơn giản hơn so với hàng công nghiệp. Khi có khách đến hỏi mua chị đều giới thiệu cả 2 loại, tùy theo lựa chọn của du khách. Năm nay, do được bố trí địa điểm bán hàng thuận lợi nên chị Sểnh không còn phải đi theo du khách, bán rong như trước đây nữa.

Năm nay, trong dịp diễn ra Lễ hội Du lịch mùa hè, huyện Sa Pa đã bố trí khu vực trưng bày và bán hàng lưu niệm riêng. Chủ gian hàng là người địa phương được ưu tiên không mất chi phí thuê địa điểm và có thể vừa ngồi chế tác vừa bán hàng tạo nét văn hóa riêng. Ngoài tham quan, mua đồ lưu niệm, du khách có thể ngồi thêu cùng chủ cửa hàng, vì hầu hết chủ các gian hàng đều biết thêu và rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn khách thêu từng hoa văn trên thổ cẩm.

Sản phẩm lưu niệm bằng đá được nhiều du khách lựa chọn.

Không chỉ tại thị trấn Sa Pa, những điểm du lịch quen thuộc như tại xã Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn… đều có những gian hàng bán đồ handmade rất độc đáo của người địa phương. Những ngày này, các cửa hàng khá đông khách, có những khách hàng kiên nhẫn ngồi đợi vài tiếng để người dân thêu xong 1 chiếc vòng đeo tay thổ cẩm.

Không chỉ có thổ cẩm, đến Sa Pa, du khách có thể thỏa sức lựa chọn những sản phẩm handmade được làm từ đá, gỗ, vỏ cây được trang trí bởi những họa tiết đặc trưng như đỉnh Fansipan, chữ Sa Pa được khắc nổi trên các sản phẩm để làm kỷ niệm.

Anh Ngô Huy Dũng, chủ cửa hàng Stone Handmade tại xã Lao Chải chuyên kinh doanh những sản phẩm làm bằng đá, gỗ do anh làm ra. Theo anh Dũng, những ngày này, các sản phẩm như bộ chén, những bức tượng cô gái, chàng trai người Mông múa khèn bằng đá, những viên đá khắc chữ Sa Pa… được nhiều người lựa chọn.

Đa dạng về mẫu mã, giá thành, những sản phẩm handmade mang đến cho du khách thêm nhiều lựa chọn. Những sản phẩm mang đậm sắc màu Sa Pa sẽ là món quà kỷ niệm đáng nhớ cho du khách qua một hành trình trải nghiệm thú vị tại mảnh đất này.

Theo Thúy Phượng/LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...