Thu hút vốn FDI: Chất lượng đặt hàng đầu
Là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Lào Cai vẫn thu hút được 28 dự án đầu tư FDI đang có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 556 triệu USD.Bức tranh khởi sắc
Vốn FDI vào Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng ngày càng khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Vì vậy, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Lào Cai trong những năm gần đây luôn là nhiệm vụ khó. Năm 2015, Lào Cai không có dự án FDI được bổ sung, năm 2016 tình hình khả quan trở lại và năm 2017 đánh dấu sự khởi sắc ngay từ đầu năm.
Khách sạn Aristo, một trong những dự án FDI hiệu quả. |
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 556 triệu USD, tập trung ở 3 lĩnh vực chính là du lịch - dịch vụ (9 dự án), công nghiệp - xây dựng (15 dự án), nông nghiệp - thủy sản (4 dự án). Năm 2016, có 3 dự án FDI lớn đầu tư vào Lào Cai với tổng số vốn 15 triệu USD. Bước sang năm 2017, UBND tỉnh đã chấp thuận cho nghiên cứu 3 dự án mới có tổng mức đầu tư 290 triệu USD (6.468 tỷ đồng), đó là dự án mở rộng khách sạn Duyên Hải (Công ty TNHH Liên doanh khách sạn quốc tế Lào Cai), dự án sản xuất dây điện và dây cáp điện công nghệ cao (Công ty CPTM Koviet - Hàn Quốc), dự án khu phức hợp giáo dục quốc tế Singapore.
Các dự án FDI đã đóng góp đáng kể cho thu ngân sách nhà nước, năm 2016, doanh nghiệp FDI nộp ngân sách 355 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.800 lao động, chủ yếu là lao động địa phương. Riêng Công ty TNHH Liên doanh khách sạn quốc tế Lào Cai (dự án khách sạn Aristo) đóng góp ngân sách nhà nước 195 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 900 lao động.
Mặc dù cơ sở hạ tầng của tỉnh ngày càng được cải thiện, nhưng hiện Lào Cai vẫn chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ trên các lĩnh vực đầu tư có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Các dự án đầu tư vào Lào Cai vẫn chủ yếu của nhà đầu tư Trung Quốc với quy mô nhỏ, chậm giải ngân.
Cần dự án chất lượng
Đã qua giai đoạn chạy đua về số lượng các dự án FDI, vấn đề Lào Cai quan tâm hiện nay chính là chất lượng các dự án thể hiện qua tiến độ giải ngân, hiệu quả kinh tế, số thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh kiên quyết thu hồi, xử lý các dự án FDI chậm tiến độ, kém hiệu quả. Cụ thể, đến nay, Lào Cai đã thu hồi 33 dự án FDI, chủ yếu là các dự án nhỏ của nhà thầu Trung Quốc.
Tỉnh Lào Cai luôn có chính sách hấp dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI đầu tư tại địa phương nhưng có định hướng rõ ràng. Đó là, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, không gây hại môi trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tỉnh đề cao các dự án chế biến sâu khoáng sản, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế công nghiệp, cửa khẩu. Lĩnh vực thương mại - du lịch ưu tiên đầu tư tại các địa phương có thế mạnh du lịch là Sa Pa, Bắc Hà. Lĩnh vực nông nghiệp ưu tiên dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn.
Với việc có những chính sách “mở”, tạo thuận lợi cho các dự án FDI đầu tư tại địa phương, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quy hoạch Khu Công nghiệp phía Tây thành phố, Khu Kinh tế cửa khẩu mở rộng và rà soát quy hoạch đô thị các huyện, thành phố để tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư trọng điểm. Lào Cai sớm cập nhật công khai danh mục dự án thu hút đầu tư, coi đây là nội dung thiết thực, công bố năm 2016, đến nay tỉnh đã thu hút được 7/25 nhà đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 14.105 tỷ đồng. Coi cải cách thủ tục hành chính là chìa khóa thu hút FDI, Lào Cai đã gắn chuyển đổi ý thức cán bộ, công chức với trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nhằm phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Các dự án FDI đang đem lại lợi ích cả về kinh tế và xã hội cho Lào Cai, song không vì thế, coi nhẹ chất lượng dự án. Lào Cai chào đón các nhà đầu tư đến với địa phương, nhưng cũng kiên quyết “nói không” với các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ và gây ảnh hưởng đến môi trường.